Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)

Go down 
Tác giảThông điệp
minh_thanh
Thành viên Nhiệt tình
Thành viên Nhiệt tình
minh_thanh


Tổng số bài gửi : 45
Points : 95
Rep power : 0
Join date : 20/07/2010
Age : 35
Đến từ : phu quoc,kien giang

LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)  Empty
Bài gửiTiêu đề: LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)    LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)  I_icon_minitimeWed Aug 18, 2010 4:48 pm

LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)  LoadImage


LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT

(DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN)

Tác giả: Josef Holzer
Người dịch: Đinh Phan Cư, Phạm Hồng Lam


TRÌNH THUẬT 24

CUỘC CHIA TAY ĐÔNG TÂY


Ngày 16-7-1054, “trong lúc các giáo sĩ chuẩn bị dâng lễ như thường lệ”, Hồng y Humbert Silva Candida, sau khi đặt tờ vạ tuyệt thông lên bàn thờ Thánh đường Hagia Sophia ở Konstantinôp, miệng vừa càu nhàu về sự ngang bướng của Kerullarius chân vội vàng bước ra khỏi nguyện đường, cúi xuống “phủi buị dính chân”, rồi dõng dạc nói: “Ước chi Chúa thấy mà phán xét chúng con!” Từ ngày đó, Giáo hội Chính thống, cũng gọi là Giáo hội Hy Lạp, chia tay hẳn với Giáo hội Rôma. Michael Kerullarius lúc đó là thượng phụ ở Konstantinôp, còn Humbert là bí thư và là sứ thần của Giáo hoàng Lêô IX.

Xung khắc đã được chuẩn bị trước

Lêô IX (1049-1054) là vị giáo hoàng người Đức thứ tư. Tên ngài là Bruno, Bá tước đất Egisheim và Dagsburg, một người bà con với hoàng đế Heinrich III, ngoan đạo và rất có khả năng. Bữa nọ, khi đang ở miền nam Ý, nơi dân Norman định cư từ thế kỉ thứ 11, Giáo hoàng nhận được một lá thư với giọng trách móc, thoá mạ và kết án của Kerullarius. Thượng phụ đổ cho Giáo hoàng tội đã cho phép Giáo hội Latinh dùng bánh không men trong thánh lễ một cách vô lý và hát “Alleluia” trong mùa chay. Giọng điệu chính của lá thư là muốn gây chuyện với Giáo hoàng, nhằm cản ngăn nỗ lực của Giáo hoàng và hoàng đế Konstantinôp trong việc dàn xếp vấn đề dân Norman. Thượng phụ sợ Giáo hoàng ảnh hưởng lên thẩm quyền mình. Lêô giao cho thư ký là Hồng y Humbert trả lời thư. Humbert là một tu sĩ Biển Đức và sẽ còn đóng vai trò trong vụ “tranh chấp năng quyền” về sau. Giáo hoàng cử Humbert tới Konstantinôp giao thư và tìm cách hoà giải với Kerullarius. Nhưng vì tính nóng, tự phụ và lời lẽ thô bạo, ông này đã làm vỡ cuộc đàm phán. Ông tự coi như kẻ bề trên và vấp phải lỗi lớn khi bảo rằng chỉ cần sự ưng thuận của Hoàng đế chứ chẳng cần gì Thượng phụ. Nhưng người chủ động ở phương Đông lúc đó là Thượng phụ chứ không phải Hoàng đế. Khi Kerullarius không muốn tiếp tục đàm phán với Humbert nữa, vì thâm tâm ông đã nghĩ đến chuyện tách rời Rôma, Humbert hết kiên nhẫn và ra vạ tuyệt thông Kerullarius.

Giáo chủ Lêô cũng đã nghĩ tới chuyện tuyệt thông trong trường hợp Kerullarius tỏ ra bất hợp tác. Nhưng ngài mất ngày 19-4-1054. Người kế nhiệm thì mãi về sau mới được bầu lên. Humbert ra vạ tuyệt thông khi giáo hoàng đã mất. Vì thế, người ta nghi ngờ tính hợp pháp của vạ này.

Nội dung bản vạ chứa “những lời cáo buộc người đông phương một cách vô lối rất khó nghe” (Wilhelm ở Vries), nên khi vừa phổ biến, nó tạo căm phẫn nơi giáo dân và giáo sĩ Konstantinôp. Họ bừng bừng chống lại Rôma. Các sứ thần Rôma phải vội rời Konstantinôp. Trước đó Kerullarius cũng đã tuyệt thông Humbert. Kerullarius cho đốt bản vạ của Giáo hoàng giữa công trường để công khai bày tỏ quyết định đoạn tuyệt với Rôma. Thật ra, Kerullarius chỉ cho đốt phó bản, chứ bản chính ông cất giữ.

Việc tuyệt thông Kerullarius không phải là bước đầu của cuộc chia tay. Nhưng nó cho thấy sự thất bại trong nỗ lực đầu tiên của Rôma muốn bình thường hoá lại quan hệ với Konstantinôp, mối quan hệ mà lúc đó trên thực tế chỉ còn thoi thóp. Cuộc phân rẽ thực ra đã có từ thời thượng phụ Photius. Mặc dù Photius chỉ cắt liên lạc trong 3 năm (863-867) nhưng sau đó trao đổi giữa hai bên hầu như chẳng còn tiếp tục.

Khi cho mình là “chính thống” (Orthodox), Giáo hội Konstantinôp muốn nói rằng Giáo hội Rôma đã đi sai đường chính, đã xa rời giáo huấn Chúa dạy.

Photius “truất phế” Giáo hoàng

Photius là một học giả nhiều cao vọng, một công chức cao cấp, chỉ huy trưởng đội vệ binh hoàng cung tại Konstantinôp và là một người trong hoàng tộc. Năm 858, ông được hoàng đế chỉ định làm thượng phụ. Vì lúc đó còn là một giáo dân, nên ông đã được phong vội vàng một lúc hai chức linh mục và giám mục. Tuy nhiên, sứ thần của Giáo hoàng Nikôlêô I đã buộc ông từ chức vì có nhiều chuyện không hay trong việc đề cử. Photius vì thế đã truất phế Giáo hoàng...

Khi Hoàng đế, người bảo hộ Photius, bị ám sát, Photius bị truất chức. Nhưng sau khi vị thượng phụ tiền nhiệm của ông (trước đó đã bị đuổi khỏi Konstantinôp một cách bất công) mất, ông được đưa trở lại ghế thượng phụ, cho tới khi bị Giáo hoàng Lêô VI truất quyền vĩnh viễn. Ông mất vì bệnh năm 891 trong một tu viện. Lý luận của Photius trong việc truất chức Giáo hoàng Rôma như sau: Phêrô đã là giám mục của Antiochia trước khi ngài trở thành giám mục Rôma. “Hơn nữa, nếu Rôma dựa vào vị tử đạo Phêrô để đòi vị trí ưu quyền, thì vị trí đó hẳn phải thuộc về Giêrusalem. Hơn nữa, nếu các ghế giám mục tuỳ thuộc vào tư cách của những người ngồi trên đó, thì phải chăng Giêrusalem đã là nơi mang lại bao nhiêu chiến thắng vinh quang? Hơn nữa, nếu Rôma dựa vào Phêrô để dành quyền ưu tiên, thì Byzanz phải được ưu tiên hơn vì Anrê (anh của Phêrô) đã làm giám mục ở đây. Vì Anrê đã làm Giám mục Byzanz nhiều năm trước khi em ông là Phêrô lên ghế giám mục Rôma”. Photius đưa ra lý luận thân tộc giữa Anrê và Phêrô để biện minh cho ưu quyền của mình. Thật ra, Thượng phụ Konstantinôp chỉ giữ vai trò quan trọng kể từ khi hoàng đế Konstantin bỏ Rôma dời đô sang Konstantinôp.

Quan hệ giữa Rôma và Konstantinôp từ đó đã không được tốt đẹp. Cho tới 200 năm sau, nó bị Kerullarius cắt đứt hoàn toàn. Hoàng đế Phía Đông thì trái lại vì lý do chính trị vẫn không muốn Giáo Hội phân rẽ.

Cuộc chia tay Đông Tây được chính thức hoá từ ngày Kerullarius cao vọng và Humbert cao ngạo tuyệt thông nhau. Nhưng nó không phải là “sản phẩm” của hai vị đó, mà đã bắt nguồn từ xa trước.

Phân rẽ bắt đầu từ hoàng đế Diokletian

Gốc rễ chính trị bắt nguồn từ ngày Hoàng đế Diokletian chia Đế quốc Rôma ra thành hai vùng hành chính vào năm 286, thành Đế quốc Rôma Phía Tây và Đế quốc Rôma Phía Đông. Rồi đại đế Konstantin lại chuyển đô về Konstantinôp, để thành này dần trở nên đối thủ của Rôma. Một bước nữa về hướng phân rẽ là khi hai vùng hành chính trở thành hai quốc gia riêng, sau cái chết của hoàng đế Theodosius vào năm 395. Thêm bước nữa là việc đội mũ hoàng đế Đế quốc Rôma Phía Tây cho vua Karl năm 800. Dưới nhãn quan của dân Đông phương thì nguyên nhân phân rẽ đã do giáo hoàng tạo ra trước đó, khi giáo triều liên minh với Pippin và được ông này tặng đất lập lên một Quốc gia Giáo hội.

Tâm tính hai bên cũng khác

Sự khác biệt tâm tính giữa Đông và Tây, giữa người Hylạp và người Latinh, cũng là một nguyên nhân phân rẽ. Người Đông phương nghiêng về suy tư trầm lắng, thích dùng biểu tượng và cái rõ ràng dễ hiểu. Người Tây phương ngã về hành động, thích trật tự và kỷ luật, thích ứng nhanh với thay đổi ngoại cảnh, thích chính trị, thực tế và ít đặt nặng truyền thống.

Hai khác biệt này đã có trước khi Kitô giáo tới. Chỉ tiếc rằng Kitô giáo đã không xoá được lằn ranh đó. Để cuối cùng khác biệt đã trở thành thù địch. Ngoài các hoàn cảnh chính trị bất lợi kể trên, khác biệt ngôn ngữ cũng là một yếu tố trong cuộc phân rẽ: từ thế kỷ thứ 7, ngôn ngữ chính thức la tinh ở đông phương dần bị ngôn ngữ Hylạp thay thế.

Cũng không nên quên mâu thuẫn văn hoá giữa những người Hylạp học thức và man dân German thường mù chữ. Dưới mắt người Hylạp, các vua chúa Franken, hoàng đế Karl và ngay cả Giáo hoàng Lêô IX - vì cũng là người Đức - đều là “man dân”.

Một thời điểm đặc biệt

Cuộc chia tay xảy ra vào một thời điểm đặc biệt, nghĩa là sau khi các dân tộc Slavơ vào đạo. Nên khi Konstantinôp tách, họ kéo các nước được họ truyền giáo (Bungari, Nga, Sec) theo luôn. Nếu chỉ có Konstantinôp không thôi, thì ngày nay đã chẳng còn ai nhắc đến. Nhưng nên nhớ Giáo hội Chính thống hiện nay có trên 160 triệu tín hữu[1].

Cũng nên nói thêm là, dù có phân rẽ, giấc mơ trở thành “Giáo chủ” trên toàn Giáo hội Đông phương của các thượng phụ Konstantinôp đã không đạt được. Vì chủ trương Giáo hội quốc gia nên họ đã không tạo được nhất thống. Độc lập quốc gia kéo theo độc lập của Giáo Hội khỏi Konstantinôp. Các thượng phụ Konstantinôp chỉ có vai đàn anh danh dự trong Giáo hội Đông phương mà thôi.

Chủ trương giáo hội quốc gia của Kon stan ti nôp còn đưa đến hệ quả quan trọng là thần quyền phải phục tùng thế quyền. Tại các quốc gia chính thống giáo hiện nay không có độc lập rõ ràng giữa giáo hội và nhà nước.

TRÌNH THUẬT 25
GIÁO HỘI TRONG THẾ KỶ “ĐEN” (TK X)
Lịch sử Giáo Hội cũng có mặt trái của nó. Giáo Hội trải qua giai đoạn đen tối nhất trong thế kỷ thứ 10, cụ thể từ năm 882 tới 962. Người ta tưởng Giáo Hội đã không trỗi dậy nổi sau những biến cố thời đó. Nhưng Giáo Hội đã đứng dậy được. Sự kiện đó càng làm người ta tin vào nhiệm tích Giáo Hội. Vì nếu như Giáo Hội được xây dựng thuần tuý trên một ý thức hệ của con người, thì nó chắc chắn đã sập rồi.

Chưa có giải pháp dân chủ nào khác

Ngày nay, ai lên tiếng phê bình quyền bính tuyệt đối của một hoàng đế thời Trung Cổ, kẻ ấy không hiểu gì lịch sử, bởi thời đó chưa có chế độ dân chủ. Vì không có hoàng đế nên giai đoạn từ 896 tới 962 đã rơi vào hỗn loạn. Bên trong, loạn tranh chấp của các ông hoàng. Bên ngoài, hoạ xâm lăng của người Hồi giáo, Norman và Hung nô.

Thời của luật kẻ mạnh. Kẻ nào lo cho kẻ đó. Cướp của, giết người diễn ra hằng ngày. Trên công trường Rôma thỉnh thoảng lại thấy cảnh người bị treo cổ. Bạo quyền làm chủ Rôma và Quốc gia Giáo hội. Giáo triều rơi vào tay các lãnh chúa quý tộc tranh diệt nhau.

Trong 8 năm, 896-904, có tới 10 giáo hoàng, được đưa lên hạ xuống theo nhu cầu và quyền lợi các lãnh chúa. Giáo hoàng Bônifaxiô VI chỉ được 2 tuần. Kế là Stêphanô VI, lên năm 896; vị này cho bới xác vị tiền nhiệm mất trước đó 9 tháng lên để xử. Cho mặc y phục giáo hoàng vào xác đã rữa, chặt chân tay, rồi vứt xác xuống sông Tiber. Nhưng chỉ vài tháng sau, Stêphanô VI bị bóp cổ chết trong ngục.

Giáo hoàng đầu tiên bị giết là Gioan VIII, người đã dám chống lại sự lộng quyền của quý tộc Rôma. Ngài bị bỏ thuốc độc năm 882. Vì thuốc không công hiệu nên đã bị đánh bể sọ chết. “Không lâu sau đó, chính sử Giáo Hội không còn được phép ghi lại những chuyện đại loại như thế nữa” (Wucher). Có hai người đàn bà tạo ảnh hưởng lớn trên ngai giáo hoàng thời đó là mẹ con Theodora và Marozia. Hai người này đã đẩy Giáo Hội tới bờ tiêu vong.

Theodora và Marozia

Theodora xuất thân từ một nhà quý tộc thế giá ở Rôma và là vợ của Theophylakt, bạo chúa cầm quyền Rôma. Người ta kể bà là người giỏi, năng nổ và hám quyền. Nhờ bà mà Sergiô III (904-911) và Gioan X (914-928) được chức giáo hoàng. Cả hai giáo hoàng là người tình của bà và của con gái bà. Gioan X cũng bị giết như Gioan VIII và Stêphanô VI trước đó, bởi Morozia, sau khi bị cô này tống vào ngục trong luỹ Thiên thần (xây không xa điện Vatican) một thời gian dài. Trước đó, Gioan X còn được thấy tận mắt Marozia giết anh mình. Gioan X cực lực chống lại các lãnh chúa quyền quý Rôma nên đã bị thanh toán. Marozia chỉ hài lòng và đạt đích khi Gioan XI lên ngai giáo hoàng, vì vị này là con mình. Gioan XI dù sao vẫn tốt hơn cha mẹ. Ngài là một giáo hoàng tốt, cố gắng canh tân Giáo Hội. Một sử gia Pháp (Flodoard) viết về triều đại Giáo hoàng này: “Không có bạo lực và hào quang”. Gioan XI giữ ghế giáo hoàng từ năm 931 tới 935.

Nữ Giáo hoàng Gioana

Đây cũng là thời có truyền thuyết về một “nữ giáo hoàng” với hiệu là Gioana Angêlicô.

Chuyện này xuất hiện lần đầu trong thế kỷ 13, kể rằng một cô gái ở Mainz (Đức) giả trai cùng đi với người yêu về Rôma. Ở đó, cô sớm nổi danh vì thông minh và hiểu rộng, nên đã được bầu làm giáo hoàng (vì người ta vẫn ngỡ là nam) sau khi Lêô IV mất năm 855. Sau 2 năm rưỡi ở ghế giáo hoàng, cô đã chết khi chuyển bụng giữa một buổi rước kiệu.

Nhưng trong bản danh sách giáo hoàng chính thức không có chỗ cho vị nữ giáo hoàng này, bởi vì sau Lêô IV thì cùng trong năm đó Biển Đức III được bầu lên kế vị.

Ngai giáo hoàng là quả banh của giới quý tộc

Khi Marozia kết hôn với Hugo, vua xứ Langobarden, thì con chồng trước của bà là Alberich II chống đối kịch liệt. Hugo vì thế tính chuyện chọc mù mắt Alberich. Đụng độ xảy ra trong lễ cưới. Alberich - có lẽ cố ý - làm đổ chậu nước rửa tay khi anh bưng đến cho kế phụ tương lai của mình. Hugo liền đấm vào mặt Alberich. Anh này bỏ tiệc chạy ra kêu gọi dân Rôma giết Hugo. Nhưng Hugo đã lẻn trốn được khỏi thành. Alberich II lên nắm quyền Rôma, cho tống mẹ và em cùng mẹ khác cha là giáo hoàng Gioan XI vào ngục. Marozia có lẽ chết rũ tù.

Hai chục năm dài Alberich trị vì Rôma và Quốc gia Giáo hội với bàn tay sắt. Một tu sĩ Biển Đức đương thời ở tu viện St. Andrea viết về thời đó: “Ghê quá, Rôma và Toà tông đồ bị ách thật nặng nề”. Các giáo hoàng sau Gioan XI chỉ còn là những tay sai, “chẳng dám nhúc nhích ngón tay khi chưa có lệnh (của Alberich)”, như một sử gia Pháp đã ghi lại nhân chuyến thăm Rôma của ông.

Một thời đầy kinh hãi

Phải nói hầu hết những chuyện sa đoạ thời đó được ghi lại do một người tên Luitprand, Giám mục Giáo phận Cremona, trong sách của ông mang tựa “Oán thù”. Cái tên ít nhiều cho thấy tầm chủ quan của nội dung sách. Một số tài liệu khác thì nói rằng Alberich là một tín hữu ngoan đạo, hoàn toàn ủng hộ chương trình cải cách của tu viện Cluny, lúc đó vừa phát động. Tài liệu cũng cho hay Alberich trực tiếp liên lạc với Viện phụ Odo của Cluny. Một người đương thời bảo Alberich là “kẻ chăm sóc tu viện”, vì ông đã cho sửa lại một loạt tu viện hư nát và đem các tu sĩ theo phong trào Cluny về đó. Đáng sợ nhất là quan điểm của Luitprand về dân Rôma trong thế kỷ đó: “Chúng tôi, người Lombarden, Sachsen, Franken, khinh bỉ dân Rôma đến nỗi khi tức giận chẳng còn tìm được từ ngữ nào để chửi ngoài chữ ‘Mày là bọn Rôma!’. Chữ đó tóm gọn tất cả cái xấu của bọn đó: tầm thường, tiểu nhân, tham lam, hoang điếm và ăn gian nói dối”.

Có lẽ Alberich là mẫu người điển hình thời đại, vừa đạo đức vừa dã man. Nhưng nói chung, tình cảnh tan hoang của Giáo Hội thời đó trong gọng kềm lãnh chúa thì quá rõ.

Cũng may mà Marozia, tuy nhào nặn giáo hoàng, nhưng đã không thể dẹp cái ngai đó. Để cho những giáo hoàng xứng đáng sau này còn có cơ hội thay thế những vị bất xứng. Đấy cũng là một giai đoạn thử thách, chứng tỏ khả năng tồn tại của Giáo Hội.

Một khởi đầu mới

Giáo hoàng Gioan XII (955-964) là con của Alberich và cháu của Marozia, một tay thiếu niên ăn chơi 17 tuổi, chuyện gì cũng dám làm. Sống hoang đàng. Người ta kể khách ăn nhậu của ngài nâng ly chúc sức khoẻ Luzifer trong những cuộc nhậu lớn. Gioan XII vừa là giáo hoàng vừa là người lãnh đạo Rôma. Ngài là vị giáo hoàng thứ hai lấy hiệu khác với tên tục của mình. Tên tục ngài là Oktavian.

Trong thời cổ và giai đoạn đầu của trung cổ các giáo hoàng lấy tên mình làm tên hiệu giáo hoàng. Thói quen này bắt đầu chấm dứt từ năm 1009. Thời đó, Pietro Bocca di Porco (Phêrô Mõm Heo) làm giáo hoàng. Ngài thấy không xứng khi lấy tên thánh tông đồ cả là Phêrô II làm hiệu cho mình, nên đã đổi thành Sergiô IV. Người đổi tên hiệu đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội là Mercurius, lên giáo hoàng năm 532. Vì Marcurius là một tên ngoại giáo, có nghĩa là Chúa của kẻ trộm, nên ngài đã chọn hiệu là Gioan II. Silvestô II (999-1003) bỏ tên tục của mình là “Gerbert”, vì tên này nghe “man” (Đức) quá. Sau khi việc đổi tên hiệu đã thành truyền thống, chỉ có hai giáo hoàng vẫn giữ nguyên tên gọi, đó là Hadrianô VI và Marcellô II.

Trong thời Gioan XII, vua Berengar II cai trị Rôma rất sắt máu. Vì thế, Gioan XII đã kêu cứu vua Otto nước Đức. Otto mang quân sang giúp, được Gioan XII phong lên làm hoàng đế (Đế quốc) Rôma. Đối lại, Otto hứa sẽ tái lập uy tín cho Giáo Hội.

Gioan XII đội mũ đế cho Otto năm 962, nhưng sau đó lại không giữ lời đã hứa với Hoàng đế bên mộ Thánh Phêrô, nên đã bị truất chức. Ngài bị đày lên Bamberg (Đức) và mất ở đó năm 966.

Otto tái lập trật tự ở Rôma và bắt dân thề rằng từ nay về sau không được đưa giáo hoàng nào lên ngai nếu không có sự chấp thuận của hoàng đế. Dĩ nhiên, dân Rôma đã không luôn luôn tuân lệnh. Dù vậy, cùng với đại đế Otto, Giáo Hội đã bước sang một trang sử mới, tươi sáng hơn.

còn tiếp

Về Đầu Trang Go down
 
LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (24-25)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thông báo về “Chương trình phẫu thuật cho các trẻ em bị dị tật bẩm sinh hàm mặt”
»  Cuộc gặp gỡ lịch sử chưa từng có giữa hai vị Giáo Hoàng
» TƯỜNG THUẬT LỄ XƯNG TỘI RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU TẠI GIÁO XỨ HƯNG VĂN
» (TƯỜNG THUẬT) LỄ DÂNG HOA TẠI GIÁO XỨ HƯNG VĂN 01.05.2011(VIDEO)
» Lịch cử hành Phụng Vụ tại Giáo Xứ Hưng Văn Phú Quốc.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Thông Tin :: Thông Tin - Tin tức Giáo Hội-
Chuyển đến