Tô-ma, con người đa nghi

Ai cũng biết Tôma là
vị tông đồ bi quan, đa nghi, cô độc và hình như ông không thể tin điều
gì mà ông không thấy, không nghe. Chúng ta gặp Tôma đầu tiên trong câu
chuyện của Lagiarô chết. Lúc bấy giờ Chúa và các môn đệ đang ở ngoài
vùng Giuđê là nơi mà người Do Thái quá khích tranh luận, đã hai lần ở
vùng này đòi bắt giữ và ném đá Chúa, nhưng Chúa Giêsu đều lánh đi sang
bên kia bờ sông Giordan. Bây giờ Chúa muốn trở lại Giuđêa để phục sinh
La-gia-rô. Tôma thấy ngay sự nguy hiểm đang rình chờ. Ông liền quay lại
nói với các tông đồ: “Nào cả chúng ta nữa, hãy đi qua đó để chết với
Ngài”(Jn 11,16). Câu nói xem ra có tính cách nhiệt thành nhưng cũng tỏ
lộ một nội tâm bi quan, buồn thảm nhìn vấn đề dưới khía cạnh mặt trái,
đen tối thất bại. . . Tại sao ông không nghĩ đến Thiên Chúa uy quyền có
thể biến giông tố im lặng, có thể tự cứu mình, mà lại nghĩ đến cái chết
thất bại phải nhờ đến sự hỗ trợ của các tông đồ? Tại sao lại tắt đi hy
vọng, cam chịu một định mệnh là bị dân chúng dồn vào chân tường?

Lần
thứ hai chúng ta gặp Tôma bên bàn tiệc ly. Mọi người yên lặng vào nghe
Chúa dạy: “Lòng các con đừng xao xuyến, hãy vững tin vào Thầy. Trong nhà
Cha Thầy có nhiều chỗ ở và Thầy đã dọn sẵn cho các con rồi, Thầy sẽ đến
đem các con đi. Thầy ở đâu các con ở đó. Thầy đi đâu các con biết đường
đi rồi” (Jn 14, 1 –4).

Tôma thấy khó hiểu, vấn đề nghe lạ
tai. Một đàng Chúa tiên báo cái chết, một đàng lại nói đến chỗ ở, đường
đi, sự sống. . . Tôma không thể im lặng được nữa nên phát biểu: “Lạy
Thầy, chúng con nào biết đi đâu, thì làm sao biết được đường đi lối về
(Jn 14, 5 – 6). Một câu nói mang dáng dấp của đêm đen giăng kín, đến mức
độ chẳng biết đường đi!

Lần thứ 3 là dịp Chúa Phục Sinh.
Phúc âm kể rằng: mọi người đều ngồi nói chuyện với nhau về những lần
Chúa hiện ra. Mọi người đều vui mừng vì Thầy đã sống lại. Tại sao chỉ
một mình Tô-ma lại không tin. Ông không tin vì Chúa không hiện ra với
ông? Ông không tin vì ông bỏ cộng đoàn? Sống một mình trong thất vọng, u
sầu? Có lẽ đúng. Tô-ma đã bỏ cộng đoàn! Tô-ma có lẽ đã nghe cả thành
xôn xao về sự kiện Chúa đã sống lại, nhưng lòng ông quá thất vọng nên
không thể đón nhận niềm vui Chúa phục sinh. Có lẽ ông đã mang tâm trạng
thất vọng, nên bỏ lỡ cơ hội nhận ra Chúa như hai môn đệ Emmau đã từng
không nhận ra Chúa đang đồng hành với mình.

Phúc âm ghi lại: Chúa phục sinh đã
hiện ra với các tông đồ, trừ Tô-ma. Tô-ma đã vắng mặt ngày hôm đó.
Không rõ lý do tại sao vắng mặt, nhưng nếu có thể đoán với tính tình mau
nản dễ bỏ cuộc của ông. Ông đã tách lìa công đoàn. Ông đã quá quen với
những tin tức đen tối u buồn, cho nên những tin tức nào có tính cách đau
thương, thất bại, bách hại thì ông mới tin. Ông không đủ lạc quan để
tin vào niềm vui Chúa sống lại. Do đó, các tông đồ là những người xưa
nay ông vốn kính trọng, vốn tín nhiệm, nay đưa tin Chúa Giêsu phục sinh,
thì ông không tin được vì ông chưa thấy trong nhân loại có chuyện phục
sinh bao giờ. Đức tin của ông đòi sự kiểm chứng. Ông đã hùng hồn tuyên
bố: nếu tôi không xỏ ngón tay vào cạnh sườn, vào lỗ đinh ở tay, chân
Chúa thì tôi không bao giờ tin. Rồi một tuần sau đó, cũng tại căn nhà
tiệc ly. Tôma đã nấc nghẹn từng lời để thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con”.

Cuộc đời chúng ta đôi khi cũng
đánh mất đi quá nhiều cơ hội, bỏ lỡ nhiều dịp may để hy vọng, để tin, để
sống. . . Chúng ta bỏ lỡ đi sự hiện diện, cứu giúp của Chúa, ơn tha thứ
của Chúa. Thế nên, cuộc đời chúng ta vẫn chìm đắm trong đau khổ và thất
vọng. Có một điều chúng ta phải học nơi Tôma là ông dám làm lại cuộc
đời sau khi gặp được Chúa. Sau khi Chúa bảo Tôma “hãy tra tay sờ vào các
lỗ đinh cạnh sườn . . .” Từ đó con người Tôma biến đổi hơn. Từ một con
người thờ ơ lãnh đạm, nghi ngờ yếu đuối, ông trở thành một người tuyên
xưng đức tin hùng mạnh: “Lạy Chúa, lạy Chúa tôi”.

Tô-ma chính là mẫu gương cho đời
sống đức tin của chúng ta. Có những lúc chúng ta bước đi trong đêm tối
của cuộc đời. Muốn buông xuôi. Muốn bỏ cuộc. Có những lúc chúng ta thất
vọng muốn xa rời cộng đoàn, chẳng dám tin ai. Tô-ma đã từng xa lìa cộng
đoàn. Sống trong cô đơn, thất vọng. Nhưng ông đã trở về với cộng đoàn.
Ông bám vào cộng đoàn, nhờ đó mà ông tìm được niềm vui Chúa phục sinh.

Nguyện xin Chúa Phục sinh
ban cho chúng ta ơn bình an và lòng tin mạnh mẽ để có thể tuyên xưng
Chúa trong mọi biến cố vui buồn trong đời. Xin cho chúng ta đừng bao giờ
rời xa cộng đoàn, nhưng luôn hiệp nhất với nhau trong một đức tin, đức
cậy, đức mến nồng nàn. Amen


Lm.Jos Tạ Duy Tuyền