Mađalêna trước tiên


Như thế, khi tường thuật đầu tiên hay khi nói về người đầu tiên được gặp
Chúa Phục Sinh, ít nhất có ba sách Tin Mừng quả quyết đó là bà Maria
Mađalêna. Tin Mừng Máccô chú thích rõ bà là “kẻ đã được Người trừ khỏi
bẩy quỉ” (Mc16:9). Tư cách này được Tin Mừng Luca nhắc đến ngay trong
giai đoạn đầu thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu (Lc 8:2). Các học giả
ngày nay đều cho rằng việc đồng hóa bà với người đàn bà tội lỗi từng
vào nhà người Biệt Phái và rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt của mình
rồi lấy tóc mà lau và xức dầu lên (Lc 7:36-50) là thiếu bằng chứng. Sự
lẫn lộn này phải chăng là vì sau khi tường thuật biến cố trên, Thánh
Luca đã giới thiệu ngay tới bà Maria Mađalêna?


Dù sao, người đàn bà từng bị xã hội Do Thái coi thường ấy đã là người
đầu tiên được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh và được Người trao sứ mệnh loan
báo cho các Tông Đồ tin mừng đáng kể nhất trong mầu nhiệm Chúa Kitô, một
tin mừng mà không có nó, Thánh Phaolô cho rằng đức tin của ta hoàn toàn
thiếu cơ sở. Việc trao phó này, theo các nhà thần học, đã biến Maria
Mađalêna thành “Tông Đồ của các Tông Đồ”, đánh đổ hoàn toàn quan niệm
cho rằng Kitô Giáo là thành trì trọng nam khinh nữ. Theo Daniel J.
Harrington S.J (
The Truth about Jesus and Women),
một học giả Thánh Kinh, Chúa Giêsu là con người của thời đại. Giống như
bất cứ người Do Thái ngoan đạo nào khác, Người cũng biết phản ảnh nền
văn hóa đương đại của dân tộc mình. Nên nói rằng Người duy nữ thì hơi
quá đáng. Gia đình nuôi dưỡng Người, tức Thánh Gia, chắc chắn là gia
đình trong đó người chồng đứng đầu gia hộ, và vợ con tùng phục ông. Làm
khác đi, sẽ bị coi là lệch lạc về phương diện xã hội.

Ấy thế nhưng so với các lãnh tụ tôn giáo đương đại, Người hết sức cởi mở
đối với sự tham dự của phụ nữ vào phong trào của mình: Người mạnh bạo
dành chỗ đứng và sự nổi bật cho phụ nữ trong đời sống và trong sự nghiệp
của Người. Mẹ Người được nhắc đến nhiều trong đời sống của Người nhất
là lúc đầu và lúc cuối. Các nữ môn đệ cũng được nhắc đến ngay trong thừa
tác vụ công khai của Người. Nhiều người được nêu đích danh, tháp tùng
Người cùng các môn đệ đi khắp nơi, từ Galilê tới Giêrusalem. Về điểm
này, Harrington nhận định rằng: trong ngữ cảnh Do Thái Giáo vào thế kỷ
thứ 1, hiện tượng một
rabbi và nam môn đệ
của ông được các phụ nữ không phải là vợ mình tháp tùng đây đó khắp nơi
quả là một gương mù gương xấu. Không lạ gì đã có những người mô tả Maria
Mađalêna như người tình của Đức Kitô.

Nhất là trong cuộc khổ nạn của Người, khi các nam môn đệ “bỏ trốn đi
hết”, thì sự hiện diện để làm chứng của các nữ môn đệ, những người như
Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê và Salômê, đã cố tình được làm sáng lên
hơn bao giờ hết. Các chi tiết Khổ Nạn và Phục Sinh được ghi lại đầy đủ
trong 4 Tin Mừng còn là của ai khác ngoài các phụ nữ này? Bởi thế, dù
không nói ra, tất cả các Tin Mừng đều mặc nhiên công nhận vai trò “Tông
Đồ của Các Tông Đồ” của họ. Tuy nhiên, theo Harrington, không ai xứng
với danh hiệu này bằng Maria Mađalêna, bởi chính bà là người đầu tiên
loan báo tin vui Phục Sinh cho các Tông Đồ vì bà là người trước tiên
được gặp gỡ và nhận sứ mệnh từ Chúa Giêsu Phục Sinh.


Ít nhất, đó cũng là chủ trương của Thánh Tôma Aquinô. Trích dẫn Máccô
16:9, Tiến Sĩ Thiên Thần cho rằng người trước tiên được gặp Chúa Phục
Sinh chính là Maria Mađalêna (Xem ST III, q.55, a.2,
sed contra).
Đàng khác, có một truyền thống lâu đời, ít nhất là từ thời Chân Phúc
Bede (qua đời năm 375), vốn tin Maria Mađalêna là người trước tiên được
gặp Chúa Phục Sinh. Vị chân phúc này viết: “Một người phụ nữ đã khởi đầu
việc phạm tội. Một người phụ nữ đã nếm mùi chết chóc trước tiên, nhưng
nơi Mađalêna, người phụ nữ đã thấy phục sinh trước nhất” (Linh Mục
Cornelius a Lapide trích dẫn). Ngoài ra, ca tiếp liên Phục Sinh Victimae paschale laudes cũng
đã hát rằng: “Dic nobis Maria, quid vidisti in via” (Hỡi Maria, hãy nói
cho chúng tôi hay bà đã thấy gì trên đường). Maria đây là Maria
Mađalêna, chứ không phải Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Chính Sách Giáo Lý của
Giáo Hội Công Giáo năm 1992 dường như cũng có cùng một chủ trương khi
cho rằng: “Maria Mađalêna và các phụ nữ thánh thiện… là những người
trước tiên gặp Chúa Phục Sinh” (số 641).

Có người còn mang lý chứng thần học để cho rằng trước cuộc gặp gỡ Maria
Mađalêna, Chúa Kitô chưa gặp ai cả, nhất là Mẹ Maria của Người, vì Mẹ
của Người không cần một cuộc viếng thăm như thế. Thực vậy, Đức Maria vốn
có một niềm tin vững chắc, không lay chuyển vào sự Phục Sinh. Ngài biết
chắc và tin chắc Con của ngài sẽ sống lại, nên ngài không cần phải
thấy: Phúc cho ai không thấy mà vẫn tin (Ga 20:29). Điều này giải thích
được lý do tại sao ngài không ra thăm mồ, lý do đơn giản: vì Chúa Giêsu
đâu còn ở đó!


Điểm nữa: Đức Mẹ cũng không cần Chúa Giêsu Phục Sinh viếng thăm để an
ủi. Ngài quả thực hết sức âu sầu, nhưng sự âu sầu này không là tiêu chí
cho thấy ngài thiếu niềm tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chính Chúa
Giêsu cũng tràn ngập buồn sầu, dù Người biết Người sẽ sống lại. Cho dù
Chúa Giêsu không viếng thăm Đức Mẹ, ta cũng vẫn phải nhận rằng hai Đấng
hoàn toàn kết hợp mật thiết với nhau bằng ơn thánh, cái nhìn thể lý
không thêm gì hết.


Đức Mẹ trước tiên


Dù thế, nhiều vị thánh và thần học gia vẫn cho rằng trước khi hiện ra
với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu từng hiện ra với Mẹ Người là Đức Maria
rồi. Nhiều tác giả Công Giáo nhắc đến Thánh Ambrose (qua đời năm 397)
(xem
De Virginitate, 3). Người thứ hai là thi sĩ thế kỷ thứ 5 tên Sedulius (Carmen paschale,
v, 360-366). Nhất là vào thời Trung Cổ, các thánh và thần học gia gần
như nhất trí với nhau về việc này. Linh Mục Prosper Gueranger liệt kê
nhiều kinh phụng vụ và thánh ca, đặc biệt ở Đông Phương, khẳng định việc
đó. Các thánh Anselm, Albert Cả, Ignatius thành Loyola, Teresa thành
Avila… đều là những vị cho rằng Đức Mẹ là người đầu tiên được gặp Chúa
Giêsu Phục Sinh.

Thánh Ignatius thành Loyola (1491-1556), vị sáng lập của Dòng Tên, trong
cuốn Linh Thao, đã khẳng định sự kiện trên và cho rằng: ngay sau khi
sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với Mẹ Thánh của Người trước nhất. Ngài
còn dùng mầu nhiệm này làm bài suy niệm đầu tiên trong 14 bài suy niệm
về sự sống lại của Chúa Kitô.


Đức Giáo Hoàng Benedict XIV (1740-58) tuyên bố rằng sự kiện ấy dựa vào
“truyền thống được tuyên xưng nơi các công trình kiến trúc và phụng vụ,
bắt đầu từ chính Giêrusalem”. Về điểm này, trang mạng
www.christusrex.org
có liệt kê một số hình ảnh phế tích của một vương cung thánh đường ở
Giêrusalem, từng bị người Hồi Giáo phá hủy vào năm 1009 AD, và cho hay
một khách hành hương tên Daniel đã viếng “một nhà nguyện được dâng kính
cho việc Chúa Giêsu hiện ra với Mẹ Người”.

Về phần tín hữu giáo dân, thì việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với Đức
Mẹ đầu tiên hoàn toàn được họ chấp nhận trong toàn thể Giáo Hội, coi như
một điều hiển nhiên. Như thế thì phải hiểu sao về chữ “trước tiên”
trong Tin Mừng Máccô? Đáp câu hỏi này, một số thần học gia, trong đó có
Linh Mục Cornelius a Lapide (1567–1637), nhà chú giải Thánh Kinh thời
danh của Dòng Tên, thì hạn từ nguyên ngữ Hy Lạp này không có nghĩa một
thứ tự thời gian tuyệt đối, mà có tính tương quan, tương đối. Câu Máccô
16:9-10 có thể đọc như sau: đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra với Maria
Mađalêna, rồi bà đi báo tin cho các Tông Đồ, hay: Chúa Giêsu hiện ra với
Maria Mađalêna trước, nghĩa là trước khi hiện ra với các Tông Đồ, chứ
không hẳn trước khi Người gặp Đức Mẹ. Nói cách khác, chữ trước tiên ở
đây là trước tiên giữa Maria Mađalêna và các Tông Đồ mà thôi.


Lý chứng thần học


Đan viện phụ Gueranger (1805-1875) của Đan Viện Solesmes (Pháp), vị sáng
lập viên của Cộng Đoàn này, là tác giả thời danh của bộ Năm Phụng Vụ
(15 cuốn), người được Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Piô XI trọng vọng vì đề
xướng các tín điều vô ngộ và vô nhiễm thai, là người bênh vực việc Chúa
Giêsu Phục Sinh “trước hết đi viếng Đức Mẹ” một cách triệt để. Theo
ngài, sau khi phục sinh, trước khi gặp bất cứ phàm nhân nào, Chúa Giêsu
vội vàng đi viếng Mẹ Thánh Người trước nhất. Người là Con Thiên Chúa,
Đấng chiến thắng sự chết, nhưng Người cũng là Con Đức Mẹ. Đức Mẹ từng
đứng gần Người cho đến giờ cuối cùng, kết hợp sự hy sinh của trái tim
người mẹ với lễ hy sinh Người dâng trên Thánh Giá: thì theo đức công
bằng, ngài phải là người trước nhất dự phần vào niềm vui phục sinh của
Con.


Dễ hiểu lý do tại sao Tin Mừng không thuật lại sự kiện ấy như đã tường
thuật các vụ hiện ra khác: các vụ hiện ra này cần thiết để chứng minh sự
Phục Sinh. Trong khi lý chứng của người mẹ về con mình, theo viện phụ
Rupert (1075-1129), không được coi là mạnh mẽ đủ (
De divinis officiis,
vii, 25; ML, CLXX, 207). Viện phụ đã dựa vào nhiều nhà chú giải để cho
rằng tập tục của Giáo Hội Rôma trong việc đặt trạm phục sinh tại Nhà Thờ
Đức Bà Cả đã củng cố chủ trương cho rằng người đầu tiên được thấy Chúa
Phục Sinh chính là Đức Mẹ

Đa số cho rằng: đối với Đức Mẹ, lại là chuyện khác, chuyện ấy chính là
tình âu yếm của người Con đối với Mẹ mình. Cả tự nhiên lẫn ơn thánh đều
đòi Chúa Giêsu Phục Sinh viếng Đức Mẹ trước nhất. Và việc này không cần
thiết phải được Tin Mừng nhắc đến.


Linh mục John A. Hardon S.J, (1914-2000), Tôi Tớ Thiên Chúa, tin rằng đã
có một truyền thống lâu đời chủ trương Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với
Mẹ của Người trước nhất. Ngài cũng liệt kê các vị thánh Ambrose,
Anselm, Albert Cả, Ignatius thành Loyola, Đức GH Bênêđíctô XIV… như
những vị bênh vực niềm tin này. Ngoài ra, theo cha, Phục Sinh còn liên
hệ mật thiết với Truyền Tin, được coi như “sự nên trọn của Truyền Tin”,
vì các lý do sau đây:


1. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ hoàn toàn tín thác ý mình cho Đấng Quyền Năng;
niềm tin ấy được tưởng thưởng khi ngài được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh.

2. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ đại diện cho nhân loại đang cần được Chúa Kitô
cứu chuộc; lúc Phục Sinh, ngài đại diện cho anh chị em đã được cứu
chuộc của Chúa Giêsu.
3. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ chấp nhận vai trò cùng chịu đau khổ với Chúa
Kitô để cứu chuộc thế gian; sau khi Chúa sống lại, ngài dự phần với
Người vào niềm vui chiến thắng khôn tả của Người.
4. Lúc Truyền Tin, Đức Mẹ ban cấp thân xác cho Chúa Giêsu để Người tự
hiến cho Chúa Cha đời đời của Người; lúc Phục Sinh, ngài khởi đầu sứ
mệnh trọng yếu của mình là cầu bầu cùng Con Phục Sinh cho con cái mình
(xem Vatican II, Lumen Gentium, số 62).

Tuy nhiên, thế giá lớn nhất thời hiện đại ủng hộ truyền thống coi việc
Chúa Phục Sinh “trước nhất đi viếng Đức Mẹ” như chuyện hiển nhiên chính
là Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong buổi triều yến chung vào
Thứ Tư 21 tháng 5 năm 1997, ngài chính thức lên tiếng “dạy giáo lý” rằng
lý do Thánh Kinh “im lặng” không nói tới việc đó “không thể dẫn tới kết
luận cho rằng sau khi phục sinh, Chúa Kitô không hiện ra với Đức
Maria”.


Theo Chân Phúc Giáo Hoàng, Đức Maria là chứng nhân của toàn bộ mầu nhiệm
vượt qua. Sau khi Chúa Giêsu được mai táng trong mồ, ngài là người duy
nhất còn lại để duy trì ngọn lửa đức tin, chuẩn bị sẵn để tiếp nhận tin
Phục Sinh. Niềm chờ đợi này là một trong những giờ phút cao cả nhất của
niềm tin đối với Mẹ Chúa: trong bóng tối dầy đặc đang bao trùm thế giới,
ngài hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa hằng sống, và khi nghĩ tới lời
của Con mình, ngài hy vọng vào việc các lời hứa thần thánh kia sẽ thành
sự thực.


Chân Phúc cho rằng sự im lặng của Tin Mừng nên dẫn ta tới việc tìm hiểu
tại sao các thánh sử đã chọn giải pháp này. Ngài bảo: sự im lặng này có
thể có nghĩa: những gì cần thiết cho nhận thức cứu rỗi đều đã được ủy
thác cho lời lẽ của những người “được Thiên Chúa chọn làm chứng nhân”
(Cv 10:41) rồi, nghĩa là các Tông Đồ, các chứng nhân “hết sức mạnh mẽ”
(xem Cv 4:33) của Phục Sinh. Trước khi hiện ra với các vị này, Chúa Phục
Sinh đã hiện ra với một số phụ nữ vì chức năng phục vụ Giáo Hội
(ecclesial function) của họ: “Hãy đi và nói với anh em Thầy tới Galilê, ở
đó, họ sẽ thấy Thầy” (Mt 28:10). Chân Phúc cũng nghĩ như viện phụ
Rupert rằng: chứng cớ của một người mẹ về con mình có thể bị những người
bác bỏ Phục Sinh coi là thiên tư, không đáng tin.


Các thánh sử cũng từng im lặng như thế với rất nhiều các lần hiện ra
khác của Chúa Phục Sinh vì theo Thánh Phaolô, Chúa hiện ra với hơn 500
anh em (1Cor 15:6). Không thể nào hiểu được là trong số hơn 500 “anh em”
đó, lại không có Đức Mẹ khi ngài luôn hiện diện với cộng đoàn môn đệ
đầu tiên (xem Cv 1:14).

Vả lại, tại sao Đức Mẹ lại không có mặt trong số các phụ nữ đi viếng mồ
vào tảng sáng ngày thứ nhất (Mc 16:1; Mt 28:1)? Há không phải vì ngài đã
được gặp Chúa Phục Sinh hay sao? Suy diễn này càng mạnh mẽ hơn nếu ta
để ý chi tiết này: những người được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh đầu tiên
đều là những người trung thành nhất dưới chân Thánh Giá và do đó, bền
vững hơn trong đức tin. Còn ai trung thành và bền vững trong đức tin
bằng Đức Mẹ?

Mầu nhiệm vượt qua cũng đòi Đức Mẹ phải chia sẻ niềm vui Phục Sinh. Chân
Phúc cho rằng Đức Mẹ hiện diện trên Đồi Canvê ngày Thứ Sáu Tuần Thánh
(xem Ga 19:25) và trên Thượng Lầu ngày Ngũ Tuần (xem Cv 1:14) nên ngài
cũng phải được đặc ân làm chứng nhân ưu tuyển của Chúa Phục Sinh, nhờ
thế hoàn tất được phần tham dự của ngài vào mọi giai đaọn chủ yếu của
mầu nhiệm vượt qua. Chào mừng Chúa Phục Sinh, Đức Mẹ cũng là dấu chỉ và
là sự mong ước của nhân loại đang chờ mong sự nên trọn của mình nhờ việc
sống lại từ cõi chết.


Dĩ nhiên, đây không hẳn là giáo huấn “de fide” buộc ta phải tin. Nhưng
các suy tư của Chân Phúc Giáo Hoàng có căn bản vững chắc. Ta biết: Maria
Mađalêna thấy ngôi mồ trống rồi đi báo cho các Tông Đồ. Sau đó, trở lại
ngôi mồ thì gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, được Người cho hay: Người chưa
lên cùng Chúa Cha (Ga 20:17). Vậy thì Người đi đâu trong lúc đó? Còn ai
khác nữa, ngoài Mẹ của Người, chả lẽ Philatô, Caipha hay Anna?

Kinh
Cầu Chịu Nạn, thường được một số giáo phận Việt Nam đọc, quả quyết đó
là Đức Mẹ: “Chúa Giêsu sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ. Thương xót
chúng con”. Có điều, rất nhiều Kinh Cầu Chịu Nạn được “Google” liệt kê
(ít nhất hơn 10 kinh) không có câu này. Và câu quả quyết này dường như
không đúng với Thánh Kinh. Quả vậy, Tin Mừng Matthêu 28: 9-10 tuy không
dùng chữ trước tiên, nhưng những người đầu tiên được Tin Mừng này tường
thuật đã gặp Chúa Giêsu Phục Sinh là bà Maria Mađalêna và “một bà khác
cũng tên là Maria”. Tin Mừng Máccô 16: 9 minh nhiên dùng chữ trước tiên
và thu gọn số người hơn, vì trong số ba phụ nữ được thấy ngôi mộ trống
(Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê và Salomê), Maria Mađalêna là người
đầu tiên được gặp Chúa Phục Sinh: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng
ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria
Mađalêna”. Tin Mừng Gioan (20:11-18) cũng ngầm cho thấy Maria Mađalêna
là người đầu tiên diện kiến với Chúa Phục Sinh. Tin Mừng Luca tuy có kể
tên Maria Mađalêna vào số những người đầu tiên thấy ngôi mồ trống nhưng
lại không quả quyết bà là người đầu tiên gặp Chúa Phục Sinh, vinh dự ấy
dành cho hai môn đệ trên đường Emmau; hai môn đệ này gần như “vô danh
tiểu tốt” tuy một người được nêu tên là Cơlêôpát (24:13-18).


Vũ Văn An