Dân yêu đảo Phú Quốc đang bức xúc trước việc một DN liên tục dùng thuốc nổ phá núi lấy đá.
Bên cạnh đặc sản nước mắm và giống chó có xoáy lưng nổi tiếng, dân đảo huyện Phú Quốc (Kiên Giang) từng tự hào về vị trí địa lý, địa hình của mình. Đó là diện tích xấp xỉ bằng đảo quốc Singapore, nằm trên Vịnh Thái Lan với nhiều bãi cát hoang sơ từng được Hãng tin ABC News bình chọn đứng đầu trong số 5 bãi biển đẹp và sạch trên thế giới. Chưa hết, trên đảo có rừng nguyên sinh và đặc biệt, trải dài từ Nam đến Bắc đảo có đúng 99 ngọn núi, đồi, từng được đánh số và ghi vào bản đồ từ cách nay hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, con số 99 đã đi vào sử sách ấy đang bị khai tử và trở thành con số của dĩ vãng.
Ông Lê Kỳ, nhà ở ấp 7, thị trấn An Thới (phía Nam đảo) kể, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên mà dân Phú Quốc nhiều đời nay đã chuyển cách gọi 99 ngọn núi từ số sang tên nên ngoài một số ngọn mà chúng tôi vừa kể, còn có núi Hòn Chảo, Mắt Quỷ, Du Hương, Phu Tượng, Gành Gió,...
"Dân ở đảo tự hào, khách du lịch đến đây cũng thích tìm hiểu, khám phá sự kỳ vĩ độc đáo của núi rừng Phú Quốc. Ngay cả như tôi vốn là dân gốc miền Trung đồi núi trập trùng nhưng ra đây lập nghiệp mấy chục năm rồi, vẫn thấy 99 ngọn núi trên đảo là cảnh quan không thể thiếu đối với mình" - ông Lê Kỳ bộc bạch.
Dân Phú Quốc ai cũng biết dãy núi lớn và dài nhất là núi Hàm Ninh chạy dọc theo bờ biển phía Đông Bắc đảo khoảng 30 km. Còn cao nhất đảo là núi Chúa (cao 603m).
|
Ngọn núi 37 đã bị san bằng. |
Ông Ba Loan, 83 tuổi, sắp nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc khẳng định chắc nịch với PV Báo CAND rằng: "Là dân Phú Quốc, ai cũng biết đảo mình có 99 ngọn núi, ngọn đồi. Nó không phải là con số đơn thuần, mà con số ấy cũng là biểu hiện của sự may mắn, tốt đẹp và hoàn hảo. Với những người từng vào sinh ra tử như thế hệ chúng tôi, 99 ngọn núi, ngọn đồi ấy còn là kỷ niệm ghi sâu vào con tim. Đó là kỷ niệm của một thời cầm súng theo Cách mạng, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc, cho chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước nhà".
Gần cả đời ở đảo và gắn với bao chiến công hiển hách của dân, quân Phú Quốc, ông Ba Loan hiện cũng tự hào rằng ông là một trong những nhân chứng sống, biết và có thể kể lại nhiều những chiến công gắn với từng ngọn núi, ngọn đồi và những vạt rừng, trèn đá (ông Ba Loan được tặng tất cả 9 huân, huy chương). Trong căn nhà ông thuộc xã Dương Tơ, tôi được nghe ông kể trận chiến đấu ròng rã gần cả tháng trời ở núi Bộ Đội gắn với địa danh Suối Cao: "Đánh riết rồi bộ đội ta không còn chút lương thực; phải đào củ, hái rau rừng mà ăn, tìm nước trong khe đá uống"…
Ông Ba Loan còn kể cho chúng tôi nghe về những chiến công của quân dân ta gắn với Núi số 10 (Hàm Ninh), núi Mu Rùa (Cửa Cạn), núi Gành Gió (từ ngọn 46 đến 51, ở xã Cửa Dương),..
Ông Lê Kỳ kể trong một lần trên Gameshow của Đài truyền hình có câu hỏi: "Phú Quốc có bao nhiêu ngọn núi?". Một thí sinh trả lời "Phú Quốc có 97,5 ngọn núi". Người dẫn chương trình cho rằng đáp án đúng là 99 ngọn. Thí sinh bức xúc quá nhưng lời giải thích của thí sinh ấy không được xem xét. |
Một ngày cuối tháng 10/2010 vừa qua, PV có mặt tại ngọn số 37, thuộc ấp 4, thị trấn An Thới và không thể tin vào mắt mình: Ngọn núi này đã thực sự bị bức tử bởi thuốc nổ và phương tiện khai thác; toàn bộ ngọn đã bị san bằng, một doanh nghiệp từ nhiều tháng nay đã thuê thợ vào chẻ đá rồi cho xe tải vào chở đi. Toàn bộ khu vực này chỉ còn sót lại một cây đa ở lưng chừng núi bởi họ không dám đụng đến miếu thờ dưới gốc cây. Khi tôi đang lúi cúi canh nét để ghi lại mấy tấm ảnh tư liệu thì có gã đàn ông đen trùng trục đỗ xịch xe lại, gằn giọng: "Chụp hình chi vậy thằng kia". Tôi vờ nói là "săn ảnh" nghệ thuật, chụp hoa, chụp bướm trên khe đá anh ta mới bỏ đi với ánh mắt nghi ngại. Trên ngọn 37 này, tôi được nghe kể trận đánh có sự tham gia của nhiều đồng chí từng là chiến sĩ vượt ngục từ nhà lao Cây Dừa.
Theo chân một "thổ địa", tôi đến ngọn 58 cách ngọn 37 khoảng 2km. Ông Trần Văn Bảy - nhà nằm cạnh đó, từng cư ngụ tại đây cả 36 năm nay cho biết: "Người dân ở đây phụ thuộc rất nhiều vào ngọn núi này bởi nó không chỉ chắn gió mà còn phục vụ nước sinh hoạt cho bà con. Khi biết doanh nghiệp đến đây phá núi, bà con đặt vấn đề về nguồn nước sinh hoạt thay thế khi không còn ngọn núi, doanh nghiệp và chính quyền không giải thích được nên bà con đã bất bình, có đơn đề nghị ngừng việc khai thác. Chớ không, ngọn này cũng cùng số phận với ngọn 37".
Đại tá Trần Văn Ứng (Ba Ứng) kể năm 2003, một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng ra thăm đảo, có mặt Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông tiếp tục đề nghị ngưng ngay việc khai thác đất đá tại ngọn 37 và 58. Trước đó, BCHQS tỉnh cũng từng có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chấn chỉnh việc này. Ngưng thì cũng có ngưng nhưng khi ông Ba Ứng chuyển về QK9, sau đó về hưu thì chuyện đâu lại… vào đấy. Hơn một ngọn núi trên đảo vẫn bị san bằng
|