Một
chi tiết trong biến cố Phục Sinh luôn làm tôi phải suy nghĩ, đó là: Tại
sao Chúa Giêsu giữ lại những dấu đinh? Ngài có thể tái sinh thân xác
mới nếu Ngài muốn, nhưng Ngài lại chọn một thân xác với những dấu đinh
có thể nhìn thấy một cách rõ ràng và có thể chạm vào được. Tại sao lại
như vậy?

Tôi tin rằng nếu thiếu đi những dấu đinh trên tay, chân và cạnh sườn của
Đức Giêsu thì biến cố Phục Sinh sẽ không trọn vẹn. Với trí tưởng tượng
hão huyền của loài người, chúng ta mơ tưởng đến một vẻ bề ngoài thật lý
tưởng đầy cuốn hút, một hàm răng đều và trắng bóng như ngọc trai, một
làn da không hề có nếp nhăn. Chúng ta mơ tưởng đến những điều không bình
thường: một thân xác hoàn hảo. Nhưng đối với Đức Giêsu, bị giam giữ
trong thân xác loài người đã là một điều không bình thường. Đối với
Ngài, những dấu đinh là bằng chứng cho cuộc sống trên hành tinh của
chúng ta, là sự nhắc nhớ mãi mãi về những ngày sống trong sự giam cầm và
chịu đựng.

Tôi có được niềm hy vọng từ những dấu đinh của Chúa Giêsu. Đứng theo góc
độ từ Thiên Đàng, những dấu đinh ấy tượng trưng cho sự kiện khủng khiếp
nhất từng xảy ra trong lịch sử vũ trụ. Tuy nhiên, biến cố Phục Sinh đã
biến sự kiện đó trở thành một kỷ niệm với tràn đầy niềm vui.

Nhờ Phục Sinh, tôi có thể hy vọng rằng, những giọt nước mắt đã tuôn rơi,
những nỗi bất hạnh chúng ta gánh chịu, nỗi đau khổ, nỗi đau đớn tột
cùng vì mất mát những người bạn và những người mình yêu, tất cả những
điều này giống như những dấu đinh của Chúa Giêsu sẽ không trở thành nỗi
đau nhưng chỉ là những gì trong ký ức.

Những dấu đinh không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng nó cũng sẽ không
còn đau đớn nữa. Chúng ta sẽ có một thân xác, một Thiên Đàng và một trái
đất được tạo dựng mới. Chúng ta sẽ có sự khởi đầu mới, một sự Phục Sinh
mới.



***
Phục
Sinh là lễ tưởng niệm việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và biến cố
đó tách rời niềm tin của Kitô hữu với những tôn giáo khác, và chính biến
cố Phục Sinh mang lại sức mạnh cho niềm tin của các tín hữu.

Hãy đặt mình vào vị trí của các Tông đồ


Các Tông đồ của Đức Giêsu đã chứng kiến Ngài gánh chịu bao nỗi đau khổ
và cuối cùng đã phải chịu chết. Họ rất hoang mang và đau buồn. Lời hứa
của Ngài về một cuộc sống vĩnh cữu sẽ thế nào? Những công việc của Ngài
đã làm như: chữa lành bệnh, xoa dịu những trái tim tan vỡ, yêu những
người không yêu thương mình, tất cả những việc ấy sẽ như thế nào? Làm
sao họ tiếp tục khi Thầy của họ đã chết?

Nhưng hãy thử nghĩ đến niềm vui khi họ nhận ra rằng Ngài đã trỗi dậy
khỏi mồ sau 3 ngày như Ngài đã hứa. Ngài đã sống lại, Ngài cùng đi với
họ, chuẩn bị bữa ăn cho họ, nói chuyện với họ và giục họ ra đi chia sẻ
thông điệp tình yêu của Ngài. Ngài đã không bỏ rơi họ và ngày nay Ngài
cũng không bỏ rơi chúng ta.

Chúa Giêsu đã rời khỏi thập giá


Đừng chỉ nghĩ đến cái chết trên thập giá của Đức Giêsu. Đừng chỉ luôn
nhìn thấy Đấng Cứu Thế trên thập giá và đôi khi hình ảnh này khiến chúng
ta chỉ nghĩ đến sự đau khổ, nghĩ đến cái chết và nỗi sợ hãi. Chúng ta
không còn một Đức Giêsu đang ở trên thập giá nữa, Ngài đã rời khỏi Thập
giá - Ngài đã phục sinh! “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?
(1 Cr 15,55). Chúng ta không có một Đấng Cứu Thế đang bị mai táng trong
mồ nữa. Chúng ta có một Chúa Giêsu vẫn đang sống và sống trong trái tim
của chúng ta.

Ngài đã trỗi dậy trong chiến thắng, trong niềm hân hoan, trong sự giải
phóng và tự do để chúng ta cũng được Ngài cứu rỗi và không phải chịu một
cái chết đau đớn về linh hồn như Ngài. Ngài sẽ không bao giờ phải chết
một lần nữa. Thật là một ngày hân hoan khi Ngài trỗi dậy và vượt lên
trên tất cả. Ngài đã chiến thắng, và thế gian được cứu rỗi!

***

Tất cả những gì của chúng ta đều thuộc về Chúa Giêsu!

Chúa Giêsu đã bằng lòng chịu chết để cứu chuộc chúng ta, và Ngài cũng
mong muốn mỗi người chúng ta cũng biết sẵn lòng hy sinh để giúp Ngài cứu
chuộc những người khác (x. 1 Ga 3,16). Ngài đã chuộc chúng ta bằng
chính máu của Ngài. Chúng ta là của Ngài; bây giờ chúng ta thuộc về
Ngài. Chúa Giêsu đã cứu rỗi linh hồn của chúng ta để chúng ta có được sự
sống đời đời, vì thế, một điều hiển nhiên là chúng ta nên làm theo
những gì Ngài yêu cầu chính là cố gắng hết sức để mang ơn cứu rỗi đến
cho nhiều linh hồn.

Chúa Giêsu đã không chỉ đi một nửa chặng đường đến thập giá cho chúng
ta, hay chỉ đi gần hết đoạn đường; nhưng Ngài đã đi đến cuối đoạn đường
và hiến thân mạng sống của Ngài cho chúng ta. Nhiệm vụ chính yếu của
Ngài đến trần gian chính là thể hiện tình yêu của Thiên Chúa, mà đỉnh
cao là cái chết trên thập giá, vì thế công việc chính của mỗi chúng ta
chính là mang lấy thập giá của mình. Ngài đã nói: “Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì
sẽ cứu được mạng sống ấy
” (Lc 9,23-24).

Chúng ta chỉ có thể tìm thấy được tràn đầy niềm tin trên con đường vâng
phục tuyệt đối, khi chúng ta thật lòng vác lấy thập giá, từ bỏ chính
mình, từ bỏ tính kiêu ngạo và ý riêng để theo Chúa Giêsu. Như thế, Ngài
sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để theo Ngài một khi chúng ta vâng phục
Ngài.



An Nhiên