Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 LỄ PHỤC SINH NĂM ẤY

Go down 
Tác giảThông điệp
mariatigon
Tiểu Thiên Thần
Tiểu Thiên Thần



Tổng số bài gửi : 282
Points : 846
Rep power : 0
Join date : 14/03/2012

LỄ PHỤC SINH NĂM ẤY Empty
Bài gửiTiêu đề: LỄ PHỤC SINH NĂM ẤY   LỄ PHỤC SINH NĂM ẤY I_icon_minitimeTue Apr 03, 2012 9:35 am


Hình như tôi quý mến anh, và anh cũng có tình cảm với tôi. Anh quan tâm tới tôi, chăm sóc tôi, như một người anh đối với người em nhỏ. Ngày về thăm nhà anh ở làng Bích Du, kinh B1, đúng lúc cả nhà đang ăn tối. Mẹ anh ân cần:
- Sao mời bạn về chơi mà không báo trước để nhà sửa soạn? Rồi, hai con rửa mặt mũi cho khoẻ rồi dùng cơm luôn. À! Con là Mỹ Miều phải không? Ui chao! Con xinh quá! Đúng là mỹ miều thật. Đi đường có mệt không? Con gái!
Nghe mẹ anh nói, tôi xúc động đến rưng rưng. Chẳng bù với ở Sóc Ven, Gò Quao quê tôi, ba má tôi như mọi ông ba bà má khác, cứ mở miệng ra là: thằng Lượm, con Lặt, thằng Rơi, con Rớt, mày mày, tao tao, nghe tủi không chịu được. Về lại ký túc xá, những sáng Chúa Nhật, nghỉ học, buồn. Anh rủ tôi tham sự sinh hoạt với nhóm sinh viên Công Giáo. Tôi nhăn mặt:
- Anh lãng xẹt à nghen! Em có phải dân Catholic đâu? Mà sao kỳ cục, Công Giáo thì kêu là Công Giáo, sao lại ghi trong lý lích là đạo Thiên Chúa vậy kìa?
Anh cười, không trả lời. Nhưng rồi tôi mới là người “lãng xẹt”, vì sau đó tôi đồng ý tham gia nhóm của anh, dự các buổi sinh hoạt, lại còn nhận công tác nữa.
Công tác thì nhiều lắm: thăm và dạy chữ cho các em mồ côi, thăm người già neo đơn, thăm bệnh nhân AIDS giai đoạn ba, thăm trại phong… Phần tôi, vì là sinh viên trường Y, khoa Sản năm cuối, nên được cha linh hướng đích thân phân công vào nhóm Bảo vệ sự sống. Thật lòng mà nói, nhóm chúng tôi chẳng bảo vệ sự sống được cho mấy ai. Chúng tôi gần như vô vọng, nỗi vô vọng của Sisyphe trong thần thoại Hy Lạp(*): số người đến “điều hòa” hay nạo hút càng ngày càng tăng, càng ngày càng trẻ hóa, đủ mọi nguồn gốc xuất thân, đủ mọi lý do, đủ mọi thành phần các tôn giáo, trong đó, người Công Giáo chẳng phải hiếm hoi gì. Số lượng “rác y tế” thực chất là các thai nhi, những đứa trẻ “vô sinh hữu tử” đựng trong các túi ni-lon màu đen tăng theo cấp số cộng, mỗi ngày một nhiều. Ở bệnh viện, đó là “rác”, nhưng vào tay các anh chị em trong nhóm lại trở thành báu vật mà họ trân trọng, nâng niu. Đó chính là những sinh linh, là những con người, có nhiều anh chị còn gọi đó là các thánh anh hài nữa.
Sinh hoạt trong nhóm được một thời gian, tôi khám phá được một điều là anh chăm sóc, quan tâm tới mọi người như một người anh đối với từng người em nhỏ, chứ không chỉ một mình tôi. Điều đó càng làm tôi quý mến, kính trọng anh hơn; đồng thời cũng làm cho tôi linh cảm trong xót xa rằng anh đâu phải của riêng tôi.
Rồi việc phải đến đã đến. Anh rủ tôi “trở lại đạo”. Tôi bảo:
- Em có bỏ đi bao giờ đâu mà trở lại? Vả lại, đối với em, ai hơn được Bụt, người thái tử của một nước, sẵn lòng từ bỏ ngai vàng, nhung lụa, vợ đẹp, con ngoan, tìm đường giải thoát chúng sinh?
Rồi tôi dụ ngược:
- Hay là anh trở thành Phật tử như em được không?
Anh cười, trầm mặc:
- Anh “xin phép” nói thế này: ở Á Đông mình, nhất là Việt Nam ta, bị ảnh hưởng văn hóa Tàu rất nặng, nên trong mỗi người, ai cũng có một ông Khổng, một ông Lão và một ông Bụt. Mà “Phật tại tâm” thì anh đã là một Phật tử từ lâu rồi. Nhưng anh mong em đến với Trời, Chúa Trời, Thiên Chúa, Đấng Thượng Đế duy nhất, Đấng Toàn Năng, vì yêu thương, đã tạo dưng và vận hành toàn bộ lịch sử vũ trụ trong đó có con người, có em, có anh.
Tôi cự:
- Vậy nếu theo Chúa, em phải vứt bỏ Bụt vào sọt rác quá khứ, phải không?
Anh nhìn xa xôi, im lặng, như chờ tôi chỉnh sửa những câu chữ vừa nói. Tôi cũng im lặng thách thức, để cuối cùng anh phải đầu hàng lên tiếng:
- Anh nghĩ là em không nên dùng những ngôn từ cực đoan như vậy. Anh kính trọng Bụt, ngài là bậc hiền nhân thật sự vĩ đại của nhân loại. Anh tin rằng Bụt đang ở trên thiên đàng với Chúa. Vậy thì có sao đâu nếu em đến với Chúa và thưa với Người: “Lạy Chúa, con là một Phật tử, con đến với Chúa với tâm thức của một Phật tử”?
Xuôi tai cũng có, tò mò muốn tìm hiểu xem Chúa của anh thế nào, tai Chúa có to bằng tai Bụt không, vầng hào quang của Chúa hay của Bụt lớn hơn chẳng hạn, và nhất là muốn có thời gian gần gũi anh, tôi đồng ý để anh chở tôi đi học giáo lý dự tòng ba buổi một tuần. Thế rồi mưa lâu ướt đất. Sau sáu tháng “chầu nhưng” (đến nay tôi vẫn chưa hiểu được ngữ nghĩa của hai chữ này, hỏi thì ông thầy sáu dạy giáo lý dự tòng trả lời ú a ú ớ), lễ Phục sinh năm ấy, tôi được lãnh nhận Bí tích rửa tội. Tôi đã tuyên xưng đức tin thật như tôi tin bằng tất cả lòng tôi. Sau thánh lễ, tôi nói với anh:
- Anh có tin rằng em sẽ là một Kitô hữu ngoan đạo không?
Anh cười hồn nhiên, vô tư, mãn nguyện, với nụ cười của một đứa trẻ:
- Anh tin, anh tin. Tạ ơn Chúa đã gọi, còn em đã mau mắn đáp lời.
Cả nhóm dắt nhau đến văn phòng cha linh hướng. Mừng tôi “trở lại đạo”, một bữa ăn được gọi là Agape đã dọn sẵn. Như cô dâu trong ngày cưới, tôi là trung tâm của tất cả. Tôi mặc một chiếc áo dài trắng, và ai cũng mặc áo trắng. Mọi lời chúc tụng, mọi băng reo, mọi bài hát, mọi điệu múa, mọi trò chơi, mọi câu chuyện đều dành cho tôi. Anh đề nghị tôi phát biểu cảm tưởng. Vừa cầm micro đưa lên, tôi xúc động quá, nghẹn lời. Tôi òa khóc, không nói được một câu, một chữ nào. Cha linh hướng khôn khéo như… cha linh hướng:
- Anh chị em cũng như tôi, linh mục linh hướng của anh chị em, vừa được nghe một bài diễn văn đơn sơ, mộc mạc, giản dị, nhưng chân thành nhất, sâu thẳm nhất, xúc động nhất từ đáy trái tim của một con người, và từ hôm nay là con Chúa và con Hội Thánh. Bằng nước mắt, Mỹ Miều đã nói lên cả những điều chúng ta cảm nhận được mà không thể nói thành lời. Nào! Hãy mừng Chúa Phục Sinh, và mừng người tân binh Mỹ Miều của Đấng Phục Sinh.
Chúng tôi chúc tụng nhau, ồn ào như vỡ chợ. Khi bầu khí lắng xuống, mọi người sắp sửa chia tay, anh “xin phép” nói đôi lời. Giọng nói và cung cách của anh đặc sệt kiểu dân Bắc Kỳ 54:
- “Xin phép” Cha và quý anh chị. Thời gian qua chúng ta sống với nhau như anh em một nhà. Cầu mong chúng ta giữ mãi tình huynh đệ ấy trong Chúa. Con “xin phép” (lại xin phép) báo một tin vui: con vừa được nhận làm đệ tử dòng Phan Sinh, còn gọi là dòng Anh em hèn mọn. Hè này con sẽ đi. Xin mãi được là đứa em hèn mọn của Cha, và là người anh em hèn mọn của quý anh chị và tất cả mọi người. Xin mọi người cầu nguyện cho con.
Bầu khí tự nhiên chùng xuống. Im lặng đến nỗi mỗi người có thể nghe được nhịp đập trái tim của người bên cạnh. Mấy đứa con gái, trong đó có tôi, lấy khăn thấm nước mắt.
Đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ được. Thú thật, tôi nhớ anh quá. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho anh sống trọn vẹn ơn gọi. Tôi phó thác tất cả trong tay Chúa. Và tôi thấy lòng mình bình an.

ngumỹnhân
-----------
(*) Sisyphe phải không ngừng hết lần này đến lần khác, lăn một tảng đá lên đỉnh núi để từ đó tảng đá lại tự lăn xuống… Đó là một công việc vô vọng.
Về Đầu Trang Go down
 
LỄ PHỤC SINH NĂM ẤY
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Góc Giải Trí :: Truyện-
Chuyển đến