Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 TRUYỆN CÁC THÁNH (Thánh Camillô)

Go down 
Tác giảThông điệp
mariatigon
Tiểu Thiên Thần
Tiểu Thiên Thần



Tổng số bài gửi : 282
Points : 846
Rep power : 0
Join date : 14/03/2012

TRUYỆN CÁC THÁNH (Thánh Camillô) Empty
Bài gửiTiêu đề: TRUYỆN CÁC THÁNH (Thánh Camillô)   TRUYỆN CÁC THÁNH (Thánh Camillô) I_icon_minitimeFri Mar 16, 2012 6:01 pm

TÔI TỚ CÁC BỆNH NHÂN
Lm. Raymond Thư, CMC

Camillô mở mắt chào đời ngày 25 tháng 5 năm 1550 tại vương quốc Naples, ngày nay thuộc nước Ý. Ðược sinh thành trong tuổi già của thân mẫu, Camillô là đề tài cho người lân bang kháo náo:

-Rồi đây trẻ này sẽ nên vương tướng gì?

Tuổi ấu thơ của Camillô trôi qua dưới ánh nhìn trìu mến và sự chăm sóc tận tình của đôi cha mẹ đạo hạnh. Ba má cậu thèm mong rồi đây đứa con cưng sẽ là vinh dự và niềm vui lúc tuổi già.

Thế nhưng, tuổi niên thiếu của Camillô đã làm hai ông bà thất vọng đến cực lòng. Camillô ngày càng trở nên ngỗ nghịch và bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ. Cậu chỉ làm những điều cậu ưa thích. Mẹ cậu vô cùng buồn đau, suối lệ tràn tuôn trong nguyện cầu, bà nài xin cho đứa con thân yêu sớm sửa đổi cuộc sống. Tiếc thay, ơn thánh chưa có cơ hội tác động nơi tâm hồn Camillô! Vẫn chứng nào tật ấy. Vẫn thái độ chống cưỡng mẹ cha. Cuối cùng cha cậu đã thẳng thắn tuyên bố:

-Nếu mày tiếp tục cư xử như vậy, mày phải ra khỏi nhà tao!

Thế rồi ông đuổi Camillô ra khỏi nhà.

Chàng thanh niên Camillô vô gia cư lang thang đây đó. Sự ngông cuồng của tuổi trẻ đã cuốn lôi chàng vùi dập trong cờ bạc, rượu chè và trác táng. Nhập bọn với bạn bè xấu nết, Camillô chìm ngập hầu mất hút giữa biển đời trào tràn thú vui giả trá.

Trong cõi vô hình, Thiên Chúa vẫn nhìn xem Camillô. Ngài gửi cho chàng một vết đau nơi bàn chân phải. Vết thương tuy không lớn rộng, nhưng gây đau đớn và phiền hà cho tuổi trẻ ngông cuồng của chàng. Chàng đến nhà thương Thánh Giacôbê tại Rôma để xin cữa trị. Ra khỏi nhà thương, chàng tự hỏi:

-Mình phải đi đâu bây giờ?

Sự cuồng nhiệt của tuổi đôi mươi thúc đẩy chàng gia nhập quân đội. Mặc dầu cuộc sống bất ổn khi phải chiến đấu nơi tuyến đầu, Camillô vẫn tiếp tục miệt mài trong cuộc sống hoang dại trần thế cho tới khi bị sa thải khỏi quân đội.

Camillô lúc này không còn một đồng dính túi! Chàng phải làm gì để sống: bất đắc dĩ, chàng đi làm phu xây cất cho một đan viện khổ tu. Chính nơi đây, ơn thánh bắt đầu lay động hồn chàng. Chàng nhận ra sự trống rỗng của tâm hồn do thú vui trần tục gây nên. Tiếng Chúa âm thầm kêu mời chàng:

-Hỡi con, hãy thống hối và trở về với cha!

Tiếng Chúa càng mãnh liệt, vang dội tận tâm can, khiến chàng tìm gặp Cha Angêlô, một tu sĩ thánh thiện của đan viện, để trình bày những uẩn khúc của tâm tư. Sau cuộc đàm thoại, con người Camillô hoàn toàn đổi mới, đến nỗi chàng xin gia nhập đan viện.

Vết đau nơi chân đột nhiên tái phát. Sự kiện này kiến Camillô không thể xứng hợp cho cuộc sống khắc khổ nơi đan viện. Chàng buộc lòng rời bỏ đan viện để chữa trị vết đau. Không những chỉ một lần, mà tới ba lần chàng phải rời đan viện để chữa trị vết đau. Vì lý do sức khỏe. Lần thứ ba, chàng trở lại nhà thương Thánh Giacôbê, vừa để chữa bệnh, vừa để phục dịch các bệnh nhân mà hơn một lần chàng đã cảm thông nỗi cực lòng. Ðặc biệt đối với những người không chút hy vọng bình phục, chàng tận tâm chăm sóc và tìm làm mọi cách cho họ được hài lòng. Cũng chính nơi đây chàng nhận ra nhiều nhân viên bệnh viện xử tệ với các bệnh nhân đáng thương cũng là con người có nhân vị như họ. Chàng tự nghĩ:

-Những người phục vụ các bệnh nhân cách tử tế phải là những người hiến thân phục vụ Thiên Chúa. Chúa không muôn tôi trở thành một đan sĩ khỗ tu, sao tôi không dâng hiến cuộc đời phụng sự Ngài qua các bệnh nhân?

Biết bao hy sinh, biết bao thánh giá ngả dài trước mặt chàng. Chàng muốn hiến thân cho Chúa, nhưng tìm đâu ra những cộng sự viên? Có mấy ai đủ quảng đại chấp nhận cuộc sống trái tính tự nhiên, va chạm với bệnh tật tởm gớm, chứng kiến cái chết rợn rùng, hy sinh giấc ngủ quí báu? Ðối diện với lưỡng lự suy tư, Camillô cúi mình trước tượng Chúa chịu đóng đinh khẩn nài ơn trợ giúp. Thình lình, hai tay Chúa rời khỏi Thánh Giá hướng về phía chàng, Ngài phán:

-Camillô, hãy cứ tiến hành, đừng sợ chi. Ðây là việc của Cha chứ không phải của riêng con. Cha sẽ giúp sức cho. Con hãy tiến hành đi!

Thế là hội dòng "Tôi Tớ Các Bệnh Nhân" thành hình. Họ mặc tu phục mầu đen có hình thánh Giá đỏ trước ngực. Thủ lãnh của họ lúc này được gọi là "Cha Camillô, vì Camillô đã học thần học và thụ phong linh mục.

Dân làng thật ngỡ ngàng khi thấy cha Camillô trở về bán các tài sản thuộc về cha. Họ hỏi nhau:

-Có phải ông cha này chính là thằng bé ngỗ nghịch trước đây không? Thật khó tin quá!

Trong khi đó cha Camillô bình thản hoàn tất việc chi bán tài sản, rồi phân phát tất cả tiền của cho người nghèo.

Năm 1590 và 1591 một bệnh dịch kinh hoàng tràn phủ khắp thành Rôma. Ðường phố ngổn ngang xác chết. Ðói kém khắp nơi. Người sống sót di động như những bộ xương biết đi. Thỉnh thoảng một người ngã lăn bên hè phố rồi chết tốt. Không ai thèm đem xác đi chôn, vì có quá nhiều điều họ phải lo lắng. Ðau thương và nước mắt tràn lan khắp nơi! Giữa cảnh tang thương đó, bóng hình cha Camillô tung tăng hết nơi này đến nơi khác. Ði tới đâu, cha đem an ủi và dịu êm tới đó. Từ phố này tới phố kia, Camillô và các cộng sự viên của cha trợ giúp các nạn nhân, đem những người hấp hối và bệnh tình trầm trọng về nhà thương hoặc tư gia để chăm sóc và chữa trị, mà không sợ chết hay sợ nhiễm lây bệnh dịch.

Hội dòng "Tôi Tớ Các Bệnh Nhân" dần dần lan rộng khắp nước Ý, tràn sang đảo Sicilia và các nước Âu Châu. Các phần tử của hội dòng chuyên lo chăm sóc các bệnh nhân, ngày cũng như đêm. Tại nhà thương cũng như tại tư gia; Cung cấp những trợ giúp vật chất cũng như tinh thần. Cha Camillô luôn dẫn việc làm gương cho anh em. Cha tận tình săn sóc các bệnh nhân hơn cả tình người mẹ từ ái chăm lo cho đứa con yêu quí đáng thương của bà. Bất cứ gặp người ốm đau nào cha đều an ủi khích lệ. Cha đem thuốc cho họ, dọn giường chiếu, lau quét phòng bệnh, băng bó vết thương, tắm rửa cho bệnh nhân?. Tắt một lời, cha làm mọi việc cần thiết phải có đối với một bệnh nhân. Không quản ngại tanh hôi và những bệnh tật tởm gớm, cha chăm sóc mọi người như nhau. Cha thường thức trắng đêm, không ăn không ngủ để ở bên các bệnh nhân giúp đỡ họ phần hồn phần xác. Lửa mến hằng thiêu đốt tim cha từ ngày cha thực tâm trở về cùng Chúa khiến cha không quản ngại một sự dâng hiến nào. Cha ước mong chiếm cho Chúa thực nhiều linh hồn. Do đó, việc trước hết cha lo lắng cho một bệnh nhân là giúp họ giao hòa với Thiên Chúa, xưng thú tội lỗi, và kiên nhẫn chịu đựng bệnh tật.

Cha Camillô phục dịch các bệnh nhân như một tôi tớ thực sự. Một hôm, người bệnh nói với cha:

-Cha ơi, cha có thể sửa lại giường giúp con không? Nằm đau mình quá cha ạ!

Camillô trả lời:

-Ông lầm rồi, ông bạn ơi!

Người bệnh hỏi lại:

-Thưa cha, sao vậy?

Camillô đáp:

-Vì ông bạn đã không truyền lệnh mà lại đi năn nỉ với tôi! Ông không thấy rằng tôi là đầy tớ và là nô lệ của ông hay sao?

Một bệnh nhân mang chứng bệnh ung thư tởm gớm, mặt mũi không còn hình tượng, xông mùi hôi thối tha. Tuy thế, cha Camillô tình nguyện săn sóc ông ta. Cha ẵm ông trên tay. Mặt kề mặt, cha nựng ông như một trẻ thơ. Sau khi chăm sóc, cha quỳ xuống bên giường ông và nói:

-Xin chúc tụng Chúa Trời! Con đã được phục vụ chính Thiên Chúa toàn năng!

Cha Camillô ngã bệnh sau nhiều năm tận tâm phục vụ Chúa trong những người anh em đáng thương. Suốt 33 tháng trời bị cơn bệnh đau đớn hành hạ, cha kiên nhẫn chịu đựng cách thánh thiện để rồi chết an lành trong tay Chúa năm 1614, hưởng thọ 64 tuổi. Cha Camillô được phong Thánh năm 1746 và được đặt làm đấng bảo trợ các bệnh viện và người ốm đau. Hằng năm Giáo Hội mừng kính ngài vào ngày 14 tháng 7.
Về Đầu Trang Go down
 
TRUYỆN CÁC THÁNH (Thánh Camillô)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Tài liệu :: Giáo lý-
Chuyển đến