Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện của gã siêu

Go down 
Tác giảThông điệp
phuonghoang1012
Thành viên Nhiệt tình
Thành viên Nhiệt tình
phuonghoang1012


Tổng số bài gửi : 60
Points : 101
Rep power : 0
Join date : 26/02/2011

tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện của gã siêu Empty
Bài gửiTiêu đề: tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện của gã siêu   tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện của gã siêu I_icon_minitimeThu Sep 01, 2011 11:32 pm

Tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện phiếm của Gã Siêu
TUỔI THƠ BỊ ĐÁNH CẮP

Chuyện phiếm của Gã Siêu


Trước cửa nhà gã, có một khoảng sân rộng được lát bằng gạch tàu. Ban tối, nhất là những đêm trăng sáng, bọn nhóc thường tụ tập ở đó để chạy nhảy vui đùa. Thế nhưng hôm nay, chúng kéo nhau đến để tập múa lân. Tiếng trống vang dội trong xóm vắng: Tùng tùng cắc tùng tùng, tùng tùng cắc tùng tùng. Tiếng trống dồn dập làm cho gã bỗng sực nhớ ra rằng: trung thu đã gần kề. Mà đúng vậy, bước chân ra đường, từ chợ thành thị cho đến chợ thôn quê, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán đèn lồng và bánh ngọt.

Tết trung thu, như tên gọi, đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu, mùa đẹp đẽ nhất trong năm với trăng thanh và gió mát. Theo Toan Ánh trong “Tín ngưỡng Việt Nam” thì tết Trung thu bắt đầu từ thời vua Duệ Tôn, đời nhà Đường.

Số là vào một đêm rằm tháng tám, trăng tròn sáng tỏ, nhà vua bèn hứng chí làm một vòng ngự chơi ngoài thành mãi tới tận khuya. Lúc bấy giờ có một ông lão, râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc tới bên nhà vua, rồi kính cẩn chào và hỏi: Bệ hạ có muốn lên cung trăng hay không? Nhà vua trả lời: Có. Vị tiên liền giơ chiếc gậy lên trời. Và thế là ngay lập tức có một cây cầu, một đầu giáp trăng, một đầu giáp đất. Tiên ông liền đưa nhà vua lên cầu và chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời với những nàng tiên nữ xinh như mộng, xiêm y cực kỳ, múa may hết ý. Đang say sưa ru hồn vào cõi trên, thì tiên ông đã đưa nhà vua trở lại hạ giới.

Để kỷ niệm ngày được chu du nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra tết trung thu. Trong tết này, người ta uống rượu thưởng trăng, vì thế còn được gọi là tết trông trăng.

Nói đến trung thu thì không thể nào bỏ qua ông Trăng, chị Hằng và chú Cuội.

Trước hết là ông Trăng. Người Việt Nam chúng ta vốn dạt dào tình cảm, nên đã xếp những kẻ xa lạ và ngay cả những vật vô tri giác vào lãnh vực thân thương của mình, vì thế mới có chú ba tàu, anh bảy cà ry, ông trời, ông trăng, cho nó thêm phần gần gũi:

- Ông trăng xuống cô gái đẹp, thì gái đẹp cho chồng.

Ông trăng xuống anh đàn ông, thì đàn ông cho vợ.

Thực chất ông trăng chỉ là một vệ tinh của trái đất và xoay quanh trái đất mỗi tháng một vòng. Chúng ta thấy được mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào. Dựa trên những bức hình của phi thuyền Apollo gửi về, thì dung mạo của mặt trăng cũng lồi lõm, cũng rỗ chằng rỗ chịt, chứ nào phải mặt hoa da phấn. Thế nhưng, mấy ông thi sĩ, nhất là thi sĩ bên Tàu, thường nhìn mặt trăng bằng cặp kính tươi hồng của mình. Và dưới cặp kính tươi hồng ấy, thì mặt trăng còn được gọi là cung Quảng hàn, nơi ở của Thái âm thần nữ, vợ của thần Thái dương, tức là mặt trời.

Tiếp đến là chị Hằng. Sách “Hoài Nam Tử” cho biết: Hằng Nga vốn là vợ của Hậu Nghệ. Ông ta đã dùng ba tấc lưỡi năn nỉ ỉ ôi bà Tây Vương Mẫu và đã xin được một viên thuốc trường sinh. Vốn thuộc nòi nể vợ, nên ông ta đã trao cho Hằng Nga cất giữ viên thuốc quí hiếm ấy. Biết chồng là kẻ độc ác, lại toan tính làm phản, Hằng Nga liền vội vã nuốt trửng viên thuốc và hóa thành cô tiên mà bay lên cung trăng.

Sau cùng là chú Cuội. Theo người Tàu thì chú Cuội chính là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu và đắc đạo thành tiên, nhưng sau vì làm nhiều điều xằng bậy trên thượng giới, nên đã bị Ngọc hoàng nổi giận, bắt đày xuống cung trăng, trao cho việc chặt và bóc vỏ cây quế đỏ. Thế nhưng cây quế đỏ này lại cứng như thép, nên ngô Cương chặt mãi, bóc hoài cho đến bây giờ cũng chẳng xong. Vì vậy mỗi đêm nhìn lên mặt trăng, chúng ta mới thấy bóng Ngô Cương đang lúi húi ở dưới gốc cây quế.

Thế nhưng, theo người Việt chúng ta thì Ngô Cương lại chính là chú Cuội. Còn cái bóng mà người Tàu gọi là cây quế đỏ, thì lại chính là cây đa thần. Vì thế mới có câu :

- Thằng cuội ngồi gốc cây đa,

Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.

Cha còn cắt cỏ trên trời,

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Sự tích chú Cuội, hẳn chúng ta đã rõ. Đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, chú phải coi nhà. Buồn tình, chú bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh: Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với. Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, chú bèn cười ngặt nghẹo đến vãi cả nước mắt. Lần khác, chú ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Chú cũng kêu la thất thanh: Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với. Thế nhưng, lần này chẳng một ma dại nào đến tiếp cứu cho chú cả. Vì thế, dân gian mới bảo :

- Bắc thang lên đến tận mây,

Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời.

Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười,

Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.

Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà chú Cuội bỗng trở thành hình ảnh tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt: Nói dối như cuội. Hay nói một đàng làm một nẻo: Hứa cuội có nghĩa là hứa lèo, hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được đí gì sốt, đầu voi đuôi chuột, trăm voi không được một bát nước xáo.

Lớn lên, chú đánh lừa được một lão trượng hiền lành và lão trượng này đã cho chú một cây đa thần mà lá có thể làm người chết sống lại. Lão trượng dặn chú mang về phải trồng ở mé đông và phải luôn tưới cho cây được xanh tươi, đồng thời còn cho chú hay cây đa thần này rất kỵ nước tiểu. Nếu trồng cây ở hướng đông thì mọi người phải đi tiểu ở hướng tây, không thì cây sẽ dông lên trời mất. Hằng ngày chú vào rừng đốn củi. Ở nhà chị vợ vẫn tưới cây rất chăm chỉ theo lời chỉ dẫn của chú. Cho tới một hôm vì mải mê công việc nên quên tưới, chợt thấy chú về đến ngõ, chị vợ sực nhớ ra nhiệm vụ của mình. Sợ đi múc nước bị chú trông thấy sẽ la mắng, nên chị vợ vội chạy lại gốc cây, tốc váy lên và tè vào đó. Vừa tè xong, thì cây đa bỗng từ từ nhổ gốc và bay lên trời. Về tới nhà, thấy cây dông lên trời, trong tay lại sẵn có chiếc cuốc, chú liền móc ngay vào gốc cây, mong giữ được cây lại. Nào ngờ, chú chẳng giữ được cây mà lại còn bị cuốn theo cây bay lên cung trăng cho đến tận hôm nay. Thành thử cứ mỗi độ trung thu về, bọn nhóc tì thường hay ca hát :

- Bóng trăng trắng ngà,

Có cây đa to,

Có thằng Cuội già,

Ôm một mối lo…

Ăn theo tết Trung Thu, gã xin tán dông tán dài đôi điều về tuổi thơ. Bởi vì nhìn vào trẻ nhỏ chúng ta sẽ ghi nhận được biết bao nhiêu nhân đức cao đẹp. Thực vậy, nơi trẻ thơ không có hận thù, bạo lực mà chỉ có một tình yêu thương dạt dào và không biên giới, nơi trẻ thơ không có mưu mô và gian dối, mà chỉ có một sự đơn sơ thành thực. Thế nhưng, ngày hôm nay, những nét đẹp này dần bị phai nhòa, thậm chí còn bị bôi xóa trong tâm hồn trẻ thơ. Vì thế, gã mới dám cả tiếng lại dài hơi mà la lên rằng: Tuổi thơ đã bị đánh cắp. Vậy ai đã đánh cắp tuổi thơ của các trẻ nhỏ?

Trước hết, tên trộm xa đánh cắp tuổi thơ chính là xã hội. Thực vậy, trẻ nhỏ hôm nay không mấy đứa còn thích chơi những trò chơi dân gian. Chẳng hạn con giai thì chơi rồng rồng rắn rắn, chơi đánh khăng, chơi đánh quay, chơi thả diều. Con gái thì chơi chuyền, chơi trải gianh, chơi ô quan, chơi nhảy dây, nhảy cò cò. Nhưng chúng lại có sẵn những trò chơi điện tử. Có đứa thay vì học bài, đã miệt mài ngồi bấm máy loạn cào cào hết giờ này qua giờ khác. Mà trò chơi điện tử thì nhan nhản những bạo lực, nào bắn súng, nào bỏ bom, nào triệt hạ tàu bay, tàu bò, tàu thủy. Ngoài ra, để ăn dỗ tiền của con nít, người ta khéo chế tạo ra những đồ chơi hấp dẫn chúng: nào kiếm, nào gươm, nào đao, nào chùy. Thôi thì đủ món ăn chơi, không thiếu một thứ gì sốt.

Tiếp đến, tên trộm gần đã đánh cắp tuổi thơ lại chính là gia đình và đặc biệt là cha mẹ. Thực vậy, có những bậc cha mẹ luôn hục hặc, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, rồi lôi nhau ra ba tòa quan lớn mà ly dị. Những đứa con bị hất ra ngoài đường, đi bụi đời, lang thang kiếm sống bằng những công việc nặng nhọc. Nếu may mắn còn được sống trong mái gia đình, thì cũng chẳng tìm thấy một tình yêu thương chăm sóc, những em nhỏ bất hạnh này chẳng có được tuổi thơ. Và nếu có, thì cũng chẳng giữ được cho mình. Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ đã đánh cắp tuổi thơ của con cái mình với những hình thức giáo dục sai lạc. Chẳng hạn có những đấng làm cha làm mẹ đã cố tình bôi xóa sự đơn sơ chân thật của con cái bằng cách dạy cho chúng gian tham. Cũng có thể chính sự nghiêm khắc, thiếu cảm thông của cha mẹ đã đẩy con cái tới chỗ gian dối. Ngoài ra, còn có những bậc cha mẹ tập cho con cái mình thói bạo lực, vũ phu chi cục mịch. Có lần gã được chứng kiến cảnh hai nhóc tì bịch nhau. Một đứa chạy về méc bố và ông bố đã làm quân sư quạt mo, vẽ đường cho hiêu chạy. Ông ấy đã phán với nó như sau: Mày cứ sang nhà nó, phết cho mó một trận. Mày mà không phết được nó thì về đây tao sẽ phết cho mày te tua.

Nhưng thôi, viết nữa thì chỉ thêm buồn. Cùng với tiếng trống tập múa lân: Tùng tùng cắc tùng tùng, xin hãy trả lại tuổi thơ cho con em chúng ta.
Về Đầu Trang Go down
 
tuổi thơ bị đánh cắp: chuyện của gã siêu
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Chuyện phiếm của Gã Siêu.
» CHUYỆN PHIẾM GÃ SIÊU
» Bệnh NỔ: Chuyện phiếm của Gã Siêu
» Tuổi teen cần gì ở cha mẹ?
» Đến ứng cứu em gái, anh bị đánh tử vong

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Tài liệu :: Thông điệp yêu thương-
Chuyển đến