Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhGalleryLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ)

Go down 
Tác giảThông điệp
nguyennghia
Tiểu Thiên Thần
Tiểu Thiên Thần
nguyennghia


Tổng số bài gửi : 332
Points : 730
Rep power : 19
Join date : 17/07/2010

Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ) Empty
Bài gửiTiêu đề: Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ)   Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ) I_icon_minitimeThu Mar 03, 2011 3:42 pm

DẪN VÀO KINH THÁNH

(Dùng cho Giới trẻ)

Lm Giuse Ngô Quang Trung

Bài 1: KINH THÁNH

Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ) 12991128521. H. Kinh Thánh là gì?

T.Kinh Thánh là những LỜI của Thiên Chúa nói với loài người, được ghi chép lại dưới ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần (linh hứng) và được Hội Thánh công nhận, như thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng miệng các Ngôn sứ mà phán dạy cha ông ta; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1- 2).

2. H. Kinh Thánh có nội dung chính yếu nào?

T.Kinh Thánh ghi lại kế hoạch cứu độ do Thiên Chúa có sáng kiến, loan báo và thực hiện trong lịch sử loài người. Đó chính là lịch sử của Đấng Cứu Thế vì Người là trung tâm và tột đỉnh của Kinh Thánh: trong Cựu Ước, Người được các Tiên tri loan báo, và trong Tân Ước, Người được các Tông đồ minh chứng.

3. H. Kinh Thánh gồm những phần chính yếu nào?

T. Kinh Thánh gồm 73 cuốn và được chia làm hai phần chính: Cựu Ước và Tân Ước. (1) Cựu Ước gồm 46 cuốn viết từ khoảng năm 1.000 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. (2) Tân Ước gồm 27 cuốn viết từ sau Chúa Giêsu về trời đến năm tông đồ Gioan chết (khoảng năm 100).

4. H. Có phải Kinh Thánh là sách do trời ban xuống không?

T. Không phải. Kinh Thánh do con người viết ra.

5. H. Vậy ai là tác giả Kinh Thánh?

T. Chính Thiên Chúa là tác giả của Kinh Thánh. Ngài đã soi sáng (linh hứng) cho các Thánh Kí dùng tài năng của mình và ngôn ngữ loài người để viết những gì Thiên Chúa muốn nói với loài người.



Bài 2: GIAO ƯỚC

6. H. Giao ước là gì?

T.Giao ước là lời cam kết giữa hai bên về những gì mà họ phải làm cho nhau: Cam kết này có thể thực hiện giữa:

- Hai bên bình đẳng (như giữa vợ chồng trong hôn nhân).

- Hoặc, hai bên không bình đẳng (như giữa phe thắng và phe thua trận, hay giữa Thiên Chúa và loài người…).

7. H. Giao ước trong Kinh Thánh có những ý nghĩa gì?

T. Giao ước trong Kinh Thánh chỉ mối tương giao hay liên kết mà Thiên Chúa thiết lập:

- Hoặc với toàn thể loài người trong bản thân ông NÔÊ (St 9, 9-17);

- Hoặc với một người, như ông Abraham (St 15, 18) hoặc vua Đavít (Tv 89, 4-5);

- Hoặc với một dân tộc Israel (Xh 19, 5-6), giao ước ấy luôn luôn có kèm theo một lời hứa và thường được kí kết bằng một hi lễ (St 15, 7-19; Xh 24, 3-Cool.

8. H. Giao ước giữa Thiên Chúa và loài người có nội dung như thế nào?

T. Nội dung chính yếu của Giao ước này là:

a. Về phía Thiên Chúa: Ngài cam kết thương yêu và cứu chuộc loài người;

b. Về phía loài người (Israel là đại diện): công nhận Đức Giavê là Thiên Chúa độc nhất, phải tôn thờ và sống theo Luật người ban hành.

9. H. Việc thực hiện giao ước đó như thế nào?

T. Về phía Thiên Chúa, Ngài luôn trung thành; còn về phía loài người, họ đã nhiều lần vi phạm, bất trung. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến nhắc nhở, cảnh tỉnh và răn đe để kêu gọi họ (Israel) sám hối. Khi họ ngoan cố, Thiên Chúa trừng phạt để cảnh tỉnh họ trở về cùng Ngài.

10. H. Giao ước đó có được lặp lại và hoàn chỉnh không?

T. Có. Qua dòng lịch sử cứu độ, Giao ước đó được lặp lại và hoàn chỉnh nhiều lần qua các trung gian:

a. Nôê (x. St 9, 11)

b. Abraham (x. St 15, 14)

c. Môsê (x. Xh 19, 24)

d. Đavít (x. 2 Sm 7-14)

e. Hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô (Giao Ước mới)

11. H. Khi nói về Giao ước cũ (Cựu Ước), người ta thường hiểu về Giao ước nào?

T.Đó là Giao ước mà Thiên Chúa đã kí kết với dân Israel tại Núi Sinai do ông Môsê làm trung gian vào khoảng thế kỉ 13 TCN.

12. H. Giao ước mới là Giao ước nào?

T. Đó là Giao ước mà Thiên Chúa nhờ các ngôn sứ loan báo sẽ thiết lập vào thời cuối cùng (x. Gr 31, 31-34) và được hoàn thành qua cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Giao ước ấy liên hệ đến toàn thể loài người. (x. Mt 26, 28).

13. H. Sống trong Giao ước mới, chúng ta phải làm gì?

T. Được hưởng ơn cứu độ do giá máu của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải biết đón nhận tình thương của Thiên Chúa, luôn trung thành với Người bằng cách sống theo Lời Người dạy.


Bài 3: KINH THÁNH CỰU ƯỚC

14. H. Cựu Ước là những sách nào?

T. Cựu Ước là những Sách Thánh được viết từ khoảng năm 1000 đến năm 100 trước Công nguyên, ghi lại GIAO ƯỚC giữa Thiên Chúa và dân Israel, chuẩn bị họ đón nhận Đấng Cứu Thế.

15. H. Sách Cựu Ước gồm bao nhiêu cuốn và được chia làm mấy loại?

T. Sách Cựu Ước gồm 46 cuốn và chia làm 4 loại:

1. Ngũ kinh: 5 cuốn đầu tiên trong bộ Kinh Thánh;

2. Lịch sử: 16 cuốn;

3. Giáo huấn: 7 cuốn;

4. Ngôn sứ: 18 cuốn.

16. H. Sách Cựu Ước dạy ta những chân lí căn bản nào?

T.Sách Cựu Ước dạy ta những chân lí căn bản này:

- Chỉ có MỘT THIÊN CHÚA là Đấng độc nhất ta phải tôn thờ;

- Thiên Chúa hằng yêu thương và trung thành với lời giao ước;

- Dù loài người (Israel) phản bội, Thiên Chúa vẫn hằng yêu thương, sẵn sàng thực hiện lời hứa ban ơn cứu độ;

- Khi dân trung thành, Thiên Chúa phù trợ, che chở; khi dân bất trung, Thiên Chúa cảnh tỉnh bằng những tai ương.

17. H. Cựu Ước có liên quan gì với Tân Ước?

T. Hiến chế Mặc Khải viết:“Thiên Chúa đã khôn ngoan sắp xếp cho Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước… Các sách Cựu Ước đạt được và bày tỏ đầy đủ trong Tân Ước. Ngược lại, Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước” (Hc. MK, số 16).


Bài 4: CÁC ĐẠI LỄ TRONG ĐẠO DO THÁI

18. H. Trong đạo Do Thái, có những ngày lễ lớn nào?

T. Có 3 lễ này:

- Lễ Vượt Qua;

- Lễ Ngũ Tuần;

- Lễ Lều Trại.

19. H. Lễ Vượt Qua là lễ gì?

T. Đó là ngày Đại Lễ mà người Do Thái cử hành vào mùa Xuân để kỉ niệm việc Xuất Hành ra khỏi đất Ai Cập. Lễ được bắt đầu cùng với những ngày “ăn bánh không men”, và bữa tiệc gia đình, trong đó người ta ăn chiên Vượt Qua (x. Xh 12, 1-14).

20. H. Nguồn gốc Lễ Vượt Qua như thế nào?

T. Có lẽ từ lúc đầu có 2 lễ khác nhau:

- Lễ Vượt Qua là Lễ Hội Mùa Xuân của các dân du mục. Họ có thói quen thiêu tế một con chiên để cầu xin được phú túc. Máu chiên bôi trên ngạch cửa để trừ tà. Môsê đã lấy lại và đã biến thành lễ đặc biệt của dân Israel.

- Lễ “ăn bánh không men” là lễ hội Nhà Nông của dân Canaan bản xứ. Trong suốt 7 ngày, người ta ăn bánh làm bằng bột lúa mới gặt không có trộn men.

Vào cuối thời quân chủ, người ta sát nhập hai lễ thành một để kỉ niệm biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai Cập của dân Do Thái.

21. H. Tại sao gọi là lễ Vượt Qua?

T. Đó là kỉ niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ của người Ai Cập. Biến cố này ghi lại những việc trọng đại đáng kể:

- Thần sứ Giavê “vượt qua” nhà dân Israel có máu chiên bôi trên thành cửa, không vào giết các con đầu lòng;

- Dân Israel đã “vượt qua” Biển Đỏ bình an khi quân Ai Cập đuổi theo;

- Dân Israel đã “vượt qua” sa mạc trong 40 năm với bao nỗi cam go, thử thách trước khi vào Đất Hứa.

22. H. Lễ Vượt Qua được mừng vào ngày nào?

T.Theo lịch Do Thái, lễ Vượt Qua bắt đầu từ chiều ngày 14 tháng Nisan và kéo dài 7 ngày. So với dương lịch, lễ này xê dịch từ ngày 26 tháng 3 đến 24 tháng 4 hằng năm (x. Xh 45, 21).

23. H. Lễ Ngũ Tuần (Năm Mươi) là lễ nào?

T. Đó là Đại Lễ được cử hành 50 ngày sau khi dâng bó lúa đầu tiên, tức là 7 tuần lễ sau “Lễ bánh không men”. Trong dịp lễ này, người ta dâng trong đền thờ bánh làm bằng bột lúa mới gặt và nhiều lễ vật khác. Lúc đầu, lễ này chỉ là một LỄ HỘI NHÀ NÔNG. Về sau, được cử hành với mục đích ghi nhớ việc Thiên Chúa ban lề luật cho Dân Ngài tại núi Sinai.

24. H. Lễ Lều Trại là lễ gì?

T. Lễ Lều Trại còn gọi là LỄ THU HOẠCH, được cử hành vào tháng 9, để Tạ ơn Thiên Chúa đã phù hộ dân trong sa mạc cũng như ban cho họ được thu hoạch hoa trái hằng năm. Cuộc lễ được mừng trong ngày. Trong suốt những ngày này, dân Israel trẩy hội ở trong những chiếc lều hay căn nhà làm bằng cành lá cây. Đây là Đại lễ mang tính bình dân và vui tươi nhất trong năm.


Bài 5: KINH THÁNH TÂN ƯỚC

25. H. Tân Ước là những sách nào?

T.Tân Ước là những Sách Thánh được ghi chép từ sau khi Chúa Giêsu về trời cho đến năm thánh Gioan Tông đồ qua đời (khoảng năm 100).

26. H. Tại sao lại gọi là Tân Ước?

T. Gọi là Tân Ước vì đây là những Sách Thánh nói đến GIAO ƯỚC MỚI, được kí kết giữa Thiên Chúa và toàn thể loài người do Chúa Kitô làm TRUNG GIAN. Giao Ước này được thiết lập bằng chính Máu Chúa Giêsu.

27. H. Sách Tân Ước chia làm mấy loại?

T. Tân Ước gồm 27 cuốn chia làm 3 loại:

(1) Lịch sử: 5 cuốn: 4 Tin Mừng và sách Công vụ Tông đồ;

(2) Giáo huấn: 21 cuốn: các thư của thánh Phaolô và 7 thư chung;

(3) Ngôn sứ: 1 cuốn là sách Khải Huyền.

28. H. Tân Ước dạy ta những điều gì?

T.Tân Ước dạy ta biết về Chúa Giêsu và công trình cứu chuộc của Người. Thật vậy:

- Các sách Tin Mừng thuật lại những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Trời, trình bày con người và sứ mệnh cứu độ của Người, và kết thúc bằng cuộc Tử nạn và Phục sinh vinh quang;

- Sách Công vụ Tông đồ ghi lại bước đầu của Hội Thánh nơi người Do Thái và Dân Ngoại;

- Các thư giải thích và đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu;

- Và sách Khải Huyền, dùng những hình ảnh kì diệu mô tả cuộc chiến đấu và toàn thắng của Nước Thiên Chúa.


Bài 6: THÀNH VÀ ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM

29. H. Người Do Thái thời Chúa Giêsu thường họp nhau cầu nguyện ở đâu?

T.Thời Chúa Giêsu, người Do Thái thường hội họp nhau cầu nguyện tại Đền Thờ Giêrusalem và trong các Hội đường.

30. H. Thành Giêrusalem được xây dựng ở dâu?

T.Thành Giêrusalem được xây dựng trên một ngọn núi cao khoảng 800 mét – mà Cựu Ước thường gọi một cách thi vị là “núi Sion” giữa vùng sơn cước Giuđê – phía Tây và Nam giáp thung lũng Khép-rôn.

31. H. Thành Giêrusalem trở thành kinh đô của Israel khi nào?

T.Trước kia, Giêrusalem là thành của dân Canaan bản xứ. Vào khoảng năm 1000, vua Đavít mang quân chiếm lấy và biến thành kinh đô chính trị và tôn giáo của Israel. Giêrusalem từ đó được gọi là “Thành Thánh” và có sự hiện diện của Hòm Bia Giao Ước, và còn mang tên “Kinh Thành của vua Đavít”.

32. H. Ai đã xây Thành và Đền thờ Giêrusalem đầu tiên?

T.Vua Đavít đã xây thành và con của vua là Salômôn đã xây Đền thờ Giêrusalem.

33. H. Thành và Đền thờ đó bị phá hủy khi nào?

Năm 586 trước Công nguyên, Nabucôđônôso Vua Babylon đã chiếm, phá hủy Thành vf Đền thờ đó.

34. H. Thành và Đền thờ Giêrusalem được xây dựng lại năm nào?

T.Năm 520 trước Công nguyên, Étra và Nơkhemia đã tái thiết lại nhưng đơn giản và nhỏ hơn trước. Khoảng năm 20 trước Công nguyên, Hêrôđê Đại Đế mở rộng Đền thờ và tới năm 64 sau Công nguyên mới hoàn thành. Thành và Đền thờ này lại bị Tướng Titô phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên.

35. H. Thời Chúa Giêsu, Thành và Đền thờ Giêrusalem như thế nào?

T.Thời Chúa Giêsu, Thành Giêrusalem có tường bao vây chung quanh, chu vi khoảng 4500 thước, có chừng 100.000 dân cư ngụ. Đền thờ Giêrusalem ở phía Bắc Thành: phía Nam dài 283 thước, phía Bắc dài 317 thước, phía Đông dài 474 thước, phía Tây dài 490 thước với những cột đá cao lớn làm thành hành lang bao vây bốn mặt.

36. H. Đền thờ Giêrusalem có ý nghĩa gì đối với người Do Thái?

T.Đền thờ Giêrusalem là niềm kiêu hãnh của toàn dân Israel, là nơi Thiên Chúa ngự và là trung tâm đời sống tôn giáo của Dân Chúa. Định mệnh Israel được gắn liền với Đền thờ. Mọi người dân Israel từ 12 tuổi trở lên, dù ở phương trời nào, cũng phải hành hương Đền thờ mỗi năm 3 lần vào các dịp Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Lều Trại.

37. H. Hội đường là nơi nào?

T.Hội đường là tòa nhà chung, nơi cộng đoàn Do Thái địa phương tụ họp vào mỗi ngày thứ Bảy (ngày Sabát) để đọc kinh, đọc và giải thích Sách Thánh và dạy giáo lí. Hội đường thường có ông Trưởng Hội đường quản trị và có phụ tá giúp việc. Hội đường thường được xây cất theo hình chữ nhật, mặt trước hướng về Giêrusalem, bên trong có đặt một cuốn SáchThánh.

“Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu lên Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua. Khi Người lên 12 tuổi, cả nhà cùng lên Giêrusalem mừng lễ theo thói quen” (Lc 2, 41).


Bài 7: KHUNG CẢNH LỊCH SỬ DÂN DO THÁI THỜI CHÚA GIÊSU
38. Chúa Giêsu sinh ra ở đâu?

T. Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, trong xứ Giuđêa, nước Palestin.

39. H. Palestin là miền đất nào?

T.Palestin là miền đất nằm ở Trung Đông. Tên gọi và biên giới đã thay đổi tùy theo thời cuộc:

(1) Thời Tổ phụ Abraham: gọi là đất Canaan;

(2) Khi dân Philitinh chiếm: gọi là Palestin;

(3) Khi dân Israel chiếm lại được thì lập ra nước Israel;

(4) Sau thời Salômôn, nước bị chia đôi: miền Bắc gọi là Israel, miền Nam thuộc chi họ Giuđa nên gọi là Giuđêa (Do Thái).

(5) Vào năm 587 trước Công nguyên, Giêrusalem bị thất thủ, người ngoại quốc đến cư ngụ ở miền Trung làm thành một dân pha trộn gọi là Samaria;

(6) Từ năm 1948 sau Công nguyên đến nay, người Do Thái tiếp tục trở về Palestin để tái lập Israel.

40. H. Thời Chúa Giêsu, Palestin như thế nào?

T.Palestin thời Chúa Giêsu có diện tích khoảng 30.000 km2, phía Tây giáp Địa Trung Hải, phía Đông có sông Giođan xuyên qua hồ Tibêria và chảy vào Biển Chết, phía Nam giáp Ai Cập và Êthiôpia, phía Bắc giáp xứ Siria và Liban.

41. H. Thời ấy, Palestin chia làm mấy miền?

T.Palestin là một xứ đồi núi chia làm 3 miền vào thời Chúa Giêsu:

- Miền Bắc gọi là Galilê, là miền cao nguyên có người Do Thái và Dân Ngoại sống chung, buôn bán thịnh vượng;

- Miền Trung gọi là Samari, do Dân Ngoại chiếm ngụ, không đồng tôn giáo với người Do Thái;

- Miền Nam gọi là Giuđê do người Do Thái chính tông cư ngụ.

42. H. Tình hình chính trị của Palestin thời Chúa Giêsu thế nào?

T.Vào thời Chúa Giêsu, Palestin là một thuộc địa của đế quốc Rôma chia làm 3 miền do các nhà cầm quyền Rôma cai trị:

- Miền Bắc do vua Hêrôđê Antipa cai trị;

- Miền Samari và Giuđê do vua Akhêlao cai trị, sau bị truất phế, Rôma đặt một Tổng trấn cai trị. Thời Chúa Giêsu, đó là Phongxiô Philatô.

42. H. Cơ quan nào giữ quyền bính tối cao trên dân Do Thái?

T.Về mặt tôn giáo, dân Do Thái được hướng dẫn bởi Hội đồng Tối Cao gồm 71 thành viên được tuyển chọn giữa các Vị Thượng Tế, Ký Lục và Kỳ Lão đương nhiệm.

Hội đồng Tối Cao Do Thái có nhiệm vụ gìn giữ trật tự chung, điều hành đời sống tôn giáo, có quyền thu vài thứ thuế và có quyền xét xử.

43. H. Giới lãnh đạo thời Chúa Giêsu gồm những ai?

T.Giới lãnh đạo Do Thái gồm:

- Thầy Thượng Tế: trước thời vua Hêrôđê, chức Thượng Tế có tính cách cha truyền con nối. Nhưng về sau, chính quyền Rôma dành toàn quyền áp đặt vị Thượng Tế nào có lợi cho họ. Chức vụ này không tồn tại sau khi Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70;

- Các Kỳ Lão: là các trưởng gia đình có thế giá, nắm giữ một số quyền bính thuộc phạm vi dân sự và tôn giáo.

- Các Ký Lục: Thời Chúa Giêsu, đó là những chuyên viên về Kinh Thánh Cựu Ước.

44. H. Sách Tân Ước nói đến mấy bè phái trong dân Do thái?

T.Hai bè phái: các Pharisêu (hay Biệt phái) và các Sađukhê.

45. H. Các Pharisêu là ai?

T.Pharisêu có nghĩa là đứng riêng ra, gồm một số người Do Thái nhiệt thành sùng đạo. Họ rất thông thạo luật Môsê và thông suốt các truyền thống tiền nhân. Họ tự buộc mình và buộc người khác phải giữ Lề Luật một cách tỉ mỉ và khắt khe đến nỗi gần như giả hình. Họ chú trọng đặc biệt tới luật nghỉ ngày Sa Bát, tin linh hồn bất tử và xác sẽ sống lại. Trong số các Ký Lục và Luật sĩ có đông người Biệt phái. Họ không tiếp tay cho người Rôma thống trị nên rất được lòng dân và có uy tín trên dân.

46. H. Các Sađukhê là ai?

T.Các Sađukhê là nhóm thuộc dòng Sađốc, thầy Tư Tế thời vua Đavít (x. 2 Sm 8, 17; 1 V 1, 34). Nhóm này thuộc thành phần giàu có, lại chạy theo ngoại bang nên ít được dân chúng tín nhiệm. Họ không tin linh hồn bất tử, không tin hạnh phúc đời sau.


Bài 8: SÁCH TIN MỪNG

47. H. Tin Mừng là gì?

T.Trước tiên, TIN MỪNG là tin vui mừng về ơn giải thoát mà Thiên Chúa ban cho loài người qua Chúa Giêsu Kitô. Sau đó, từ ngữ TIN MỪNG chỉ sự mở rộng TIN MỪNG, do các Tông đồ mang đến cho thế giới ngoại giáo. Và vào thế kỷ thứ hai, TIN MỪNG dùng để chỉ những sách ghi lại tin vui mừng ấy. Đó là 4 cuốn: Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan.

48. H. Các sách Tin Mừng được hình thành như thế nào?

T.Có thể phác họa sự hình thành của các sách Tin Mừng như sau:

- Trước tiên, đó là những lời rao giảng của các Tông đồ. Các ngài đã nhớ lại và truyền lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm;

- Sau đó, các Thánh Sử chọn lựa trong số các điều truyền lại bằng miệng hay bằng tài liệu viết tay, tóm tắt và tùy nghi mà giải thích thêm nhưng vẫn giữ hình thức các bài giảng thuyết để truyền lại cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu (x. Hc. MK số 19).

49. H. Các sách Tin Mừng được chép vào những năm nào?

T.Tin Mừng theo thánh Máccô được ghi nhận là sớm nhất vào khoảng năm 65-70, rồi đến Luca, Mátthêu vào khoảng năm 70-80. Tin Mừng theo thánh Gioan được ghi nhận viết vào khoảng năm 100 sau Công nguyên.

50. H. Tin Mừng Nhất Lãm là gì?

T.Ba cuốn Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Máccô, Luca có bố cục và nội dung gần giống nhau đến nỗi có thể viết theo 3 cột song song với nhau và nhìn một lúc cả ba bản nên gọi là Tin Mừng Nhất Lãm (nhất là một, lãm là ngó, nhìn).

51. H. Tin Mừng Nhất Lãm có bố cục tổng quát thế nào?

T.Không kể thời niên thiếu, Tin Mừng Nhất Lãm đều mang những nét chính yếu này:

- Dẫn vào sứ vụ (Gioan Tẩy Giả rao giảng – Đức Giêsu chịu phép rửa, bị cám dỗ);

- Sứ vụ của Chúa Giêsu tại xứ Galilê và các miền phụ cận.

- Hành trình đi Giêrusalem và những ngày cuối cùng tại đó.

- Kết thúc là biến cố thương khó, chết và sống lại.



Bài 9: TIN MỪNG THEO THÁNH MÁTTHÊU

52. H. Thánh kí của Tin Mừng thứ nhất là ai?

T.Là thánh Mátthêu cũng gọi là Lêvi, con của ông Anphê (x. Mc 2, 14) làm nghề thu thuế ở Caphacnaum, đã được Chúa Giêsu kêu gọi làm Tông đồ (x. Mt 9, 9).

53. H. Thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng năm nào?

T.Thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 70-80 cho người Do Thái sống tại Palestin để củng cố lòng tin của họ; ngài lấy Cựu Ước minh chứng Chúa Giêsu Nazaret là Đấng Thiên Sai (Mêsia) mà Thiên Chúa đã hứa.

54. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu như thế nào?

T.Tin Mừng theo thánh Mát-thêu gồm 28 đoạn, 1068 câu, có thể chia ra như sau:

- Thời niên thiếu: chương 1-2;

- Sứ vụ tại Galilê: chương 3-18;

- Sứ vụ tại Giêrusalem: chương 19-25;

- Thương khó và sống lại: chương 26-27.

55. H. Tin Mừng theo thánh Mátthêu có những đặc điểm nào?

T.Thánh Mátthêu viết Tin Mừng cho người Do Thái sống tại Palestin, nên có những đặc điểm sau:

- Trích dẫn nhiều Cựu Ước;

- Xếp đặt có thứ tự, gọn gàng, sáng sủa, có khuynh hướng tổng hợp Lời Chúa thành những bài giảng dài;

- Bàn giải sâu rộng về đề tài Hội Thánh;

- Có tính cách lịch sử, minh giáo.



Bài 10: TIN MỪNG THEO THÁNH MÁCCÔ

56. H. Thánh kí của sách Tin Mừng thứ hai là ai?

T.Là Thánh Máccô, quê tại Giêrusalem, ban đầu là môn đệ của thánh Phaolô, sau theo thánh Phêrô làm thông ngôn.

57. H. Thánh Máccô viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T.Thánh Máccô viết sách Tin Mừng tại Rôma sau cuộc tử đạo của thánh Phêrô, vào khoảng năm 65-70. Thánh Máccô viết cho cộng đoàn Do Thái sống ở nước ngoài nhằm truyền giảng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

58. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Máccô như thế nào?

T.Tin Mừng theo thánh Mác-cô gồm 16 đoạn, 661 câu, có thể chia ra như sau:

(1) Nhập đề: Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu chịu phép rửa và chịu cám dỗ: 1, 1-13;

(2) Sứ vụ tại Galilê: 1, 14-9, 50;

(3) Sứ vụ tại Giêrusalem: 10, 1-13, 37

(4) Thương khó, chịu chết, sống lại và lên trời: 14, 1-16, 20.

59. H. Tin Mừng theo thánh Máccô có những đặc điểm nào?

T. Là Tin Mừng viết trước nhất, sách Tin Mừng theo thánh Máccô các những đặc điểm sau:

(1) Từ ngữ giản dị, bình dân nhưng truyện kể sống động và chân thành.

(2) Là bài Tin Mừng nguyên thủy và ngắn nhất.

(3) Chịu ảnh hưởng tư tưởng của thánh Phaolô.



Bài 11: TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA


60. H. Thánh kí của sách Tin Mừng thứ ba là ai?

T. Là Thánh Luca, một người ngoại giáo gốc Hi Lạp quê ở Antiôkhia, làm y sĩ, và là môn đệ của thánh Phaolô từ năm 49.

61. H. Thánh Luca viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Luca viết Tin Mừng này sau khi thành Giêrusalem bị tàn phá, vào khoảng năm 70-80. Thánh Luca viết đề tặng ông Thêôphilê (Cv 1, 1), nhưng thực ra, nhắm vào những người Hi Lạp tòng giáo, để trình bày Chúa Giêsu là con người lịch sử và giáo huấn về Chúa Giêsu là xác thực (x. Lc 1, 1-4).

62. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Luca như thế nào?

T. Sách Tin Mừng theo thánh Luca gồm 24 đoạn, 1149 câu và có thể chia ra như sau:

1. Lời tựa: 1, 1-4;

2. Thời niên thiếu: 1, 5-2, 52;

3. Sứ vụ tại Galilê: 3, 1-9, 50;

4. Hành trình lên Giêrusalem: 9, 51-19, 28;

5. Sứ vụ tại Giêrusalem: 19, 29-21, 38;

6. Thương khó, chết, sống lại và lên trời: 22, 1-24, 53.

63. H. Tin Mừng của thánh Luca có những đặc điểm nào?

T. Là người ngoại giáo trở lại và là môn đệ của thánh Phaolô, thánh Luca viết sách Tin Mừng với những đặc điểm sau:

1. Là tác phẩm có giá trị văn chương và lịch sử.

2. Đề cao lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô.

3. Đề cao vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống Chúa Giêsu và các môn đệ.

4. Là Tin Mừng của niềm vui trong cầu nguyện và hi sinh.


Bài 12: TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

64. H. Thánh kí của sách Tin Mừng thứ tư là ai?

T. Là thánh Gioan, em của Giacôbê, con ông Dêbêđê, là một trong những người đầu tiên được gọi làm tông đồ, đã được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt (x. Mt 4, 21; Ga 13, 23).

65. H. Thánh Gioan viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Gioan viết Tin Mừng này vào những năm cuối cùng của thế kỉ thứ nhất (năm 100). Thánh nhân viết Tin Mừng này để độc giả tin rằng Đức Giêsu chính là Chúa Kitô (Đấng được xức dầu), Con Thiên Chúa và nhờ tin vào Người mà được sống đời đời (x. Ga 20, 31).

66. H. Bố cục Tin Mừng theo thánh Gioan thế nào?

T. Tin Mừng theo thánh Gioan gồm 21 đoạn, 878 câu, có thể chia ra như sau:

1. Nhập đề: 1, 1-51;

2. Ngôi Lời làm người tỏ mình trong dấu lạ: 2, 1-12, 50;

3. Thương khó và sống lại: mạc khải tối hậu: 13, 1-21, 25.

67. H. Tin Mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm nào?

T. Là vị Tông đồ cuối cùng, Gioan đã được vinh dự theo sát mọi sinh hoạt của Chúa Giêsu và Hội Thánh thời sơ khai, nên Tin Mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm sau:

1. Chứng từ của một niềm tin sống động vào Chúa Giêsu. Một chứng từ giá trị lịch sử;

2. Có giá trị văn chương. Tác giả chọn lọc các trình thuật và soạn thảo các bài giảng;

3. Hoàn toàn hướng về Đức Kitô: Người là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế;

4. Nhấn mạnh đến đời sống tâm linh.


Bài 13: CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ

68. H. Thánh Phaolô là ai?

T. Thánh Phaolô sinh vào khoảng năm thứ 7 sau Công nguyên tại Tarsô với tên là Saolô. Thời niên thiếu ngài theo học thầy Gamalien ở Giêrusalem. Phaolô là người Do Thái rất nhiệt thành, thông thạo Lề Luật và hăng hái bênh vực tập truyền của cha ông (x. Gl 1, 14).

69. H. Thánh Phaolô đã làm Tông đồ khi nào?

T. Khoảng năm 34, trên đường đi Đamas bách hại tín hữu Chúa Kitô, ngài được thị kiến Đấng Phục Sinh và được ơn trở lại. Sau khi được rửa tội, ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái, nhưng gặp chống đối và thất bại. Ngài lui về sa mạc Arabi và tĩnh tâm, tìm cách đi rao giảng Tin Mừng cho dân Ngoại (x. Cv 11, 25-26).

70. H. Thánh Phaolô đã thực hiện mấy cuộc hành trình truyền giáo?

T. Thánh Phaolô đã thực hiện 3 cuộc hành trình truyền giáo chính:

- Lần thứ nhất: từ năm 45 đến năm 48, cùng với Banaba và Gioan Marcô ở vùng Nam Tiểu Á.

- Lần thứ hai: từ năm 50 đến năm 53, cùng với Xila tại Tiểu Á. Trong lần này, Phaolô đã viết 2 thư gửi giáo đoàn Thêxalônica.

- Lần thứ ba: từ năm 54 đến năm 58, ngang Tiểu Á đến vùng Makêđônia. Trong thời gian này, thánh Phaolô viết thư gửi giáo đoàn Galát, 2 Côrintô và Rôma.

Thánh Phaolô thường dùng những lời tiên tri để chứng minh Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Cuốiđời, thánh Phaolô đã đến Rôma vào năm 61 và được phúc tử đạo năm 67 tại đó.

71. H. Đâu là những thư quan trọng của thánh Phaolô?

T. Những thư quan trọng nhất của Thánh Phaolô gồm có:

- Thư gửi Giáo đoàn Galát.

- Thư gửi Giáo đoàn Êphêsô

- Thư gửi Giáo đoàn Rôma

- Thư 1 và 2 gửi Giáo đoàn Côrintô

- 2 thư gửi Giáo đoàn Thêxalônica

Trong các thư này, Thánh Phaolô nói về sự công chính hóa, việc tái lâm trong vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và tất cả những vấn đề mà người tân tòng và những cộng đoàn Kitô giáo thường gặp.

72. H. Những thư viết trong tù là những thư nào?

T. Đó là các thư: Côlôsê, Philêmon, Êphêsô và Philipphê. Vấn đề chính trong các thư này là vai trò của Chúa Kitô trong vũ trụ và lịch sử, thường được gọi là những bức thư Kitô học. Ngoài ra, Thánh Phaolô cũng cố gắng xác định các yếu tố của một đời sống Kitô hữu gương mẫu.

73. H. Những thư mục vụ là những thư nào?

T. Đó là các thư 1 & 2 Timôthê và thư Titô. Trong các thư ấy, ta thấy được mối quan tâm của thánh Phaolô về việc tổ chức các cộng đoàn Kitô giáo trước nguy hiểm các lạc thuyết và trước khi Phaolô li trần.

74. H. Đâu là những điểm Giáo lí chính yếu trong thư của thánh Phaolô?

T. Những điểm Giáo lí chính yếu của thánh Phaolô là:

- Đức Kitô: Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế và là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.

- Hội Thánh: là thân thể nhiệm mầu của Chúa Kitô, được xây dựng trên nền tảng rao giảng Tin Mừng, gồm có Do Thái và Dân Ngoại trong bình đẳng và tự do của con cái Thiên Chúa.

- Công cuộc Cứu Chuộc: được liên kết với mầu nhiệm Ba Ngôi, sáng kiến của Thiên Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần.


Bài 14: CÁC THƯ KHÁC

75. H. Ngoài thư của thánh Phaolô, Tân Ước còn có những thư nào nữa không?

T. Còn có 7 thư khác có nguồn gốc khác nhau được thu tập lại từ lúc khởi đầu Hội Thánh, thường được gọi là “CÁC THƯ CHUNG” và không xác định là gửi cho Giáo đoàn hay nhân vật nào riêng biệt.

76. H. Các thư chung gồm những thư nào?

T. Là 7 lá thư này:

- 1 thư của thánh Giacôbê

- 2 thư của thánh Phêrô

- 3 thư của thánh Gioan

- 1 thư của thánh Giuđa Tađêô

77. H. Các thư chung có nội dung chính yếu như thế nào?

T. Một cách tổng quát, các thư chung nhằm mục đích khuyến khích người tín hữu Chúa Kitô bền vững trong đức tin, can đảm chịu đựng gian khổ và sống làm sao cho xứng đáng với ơn gọi mà họ đã nhận lãnh trong Phép Rửa.

78. H. Các thư chung có tầm quan trọng như thế nào?

T. Các thư chung chứa nhiều đề tài quan trọng về:

- Thần học: Đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc), chức tư tế cộng đồng (1 Pr), sự linh hứng của Thánh Kinh (2 Pr), Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga).

- Phụng vụ: Bí tích Xức dầu bệnh nhân (Gc).

- Luân lí: Kiềm chế miệng lưỡi (Gc), kiên nhẫn chịu đựng đau khổ (1 Pr), sống theo tư cách là con Thiên Chúa và trong tình yêu của Người (1 Ga).

79. H. Thư Hípri của ai và được viết ra nhằm mục đích gì?

T. Thư gửi tín hữu Hípri (Do Thái), tuy được xếp vào số thư của thánh Phaolô, nhưng chắc là do một môn đệ của ngài viết ra. Đúng hơn, đây là một bài giảng viết cho người Do Thái tản cư đã trở lại Kitô giáo, nhằm củng cố niềm tin của họ trước nguy cơ trở về với Do Thái giáo.

80. H. Thư Hípri có nội dung thế nào?

T. Thư gửi Hípri đề cao vị trí tối thượng của Đức Kitô, vị Thượng Tế đời đời theo phẩm hàm Menkisêđê, Chúa Kitô chính là Vị Thượng Tế mà loài người cần đến, vì lễ tế Người dâng có tính cách chung cục và hiệu nghiệm, mang lại ơn cứu rỗi đời đời cho loài người.


Bài 15: SÁCH KHẢI HUYỀN

81. H. Khải Huyền là gì?

T. Khải huyền là mặc khải, là tỏ lộ những điều huyền nhiệm của tương lai. Đó là một loại văn dùng hình ảnh để mô tả số phận hiện tại và tương lai của Hội Thánh Chúa Kitô đang bị bách hại, nhưng sẽ toàn thắng trong vinh quang vào ngày Chúa Kitô trở lại.

82. H. Tác giả sách Khải Huyền trong Tân Ước là ai?

T. Truyền thống Hội Thánh vẫn cho thánh Gioan tông đồ là tác giả sách Khải Huyền. Ngài là tác giả sách Tin Mừng thứ tư, đã biên tập sách Khải Huyền tại đảo Pasmô vào cuối thế kỉ thứ nhất, khi Hội Thánh bị bách hại bởi các Hoàng đế Rôma như Nêrô và Đômitianô.

83. H. Sách Khải Huyền gửi cho ai và nhằm mục đích gì?

T. Sách Khải Huyền là sứ điệp có tính cách tiên tri của Chúa Giêsu gửi cho 7 Giáo đoàn ở Tiểu Á qua trung gian thánh Gioan, nhằm giúp họ thêm lòng tin tưởng vào Chúa trong cơn bách hại mà họ đang chịu.

84. H. Đâu là sứ điệp hi vọng mà sách Khải Huyền muốn gửi đến cho các tín hữu?

T. Tác giả khuyên các tín hữu tiếp tục tin tưởng vào Thiên Chúa và trung thành với Ngài, vì thời gian bách hại đang được rút ngắn, vì Chúa Giêsu sắp trở lại và đem phần thưởng cho họ, vì sự ác có mạnh mẽ và độc ác đến đâu, cũng sẽ bị khuất phục bởi Con Chiên, vì Người là Chúa các chúa, Vua các vua, và những ai theo Người cũng sẽ toàn thắng với Người.

85. H. Sách Khải Huyền có bố cục như thế nào?

T. Ta có thể chia sách Khải Huyền như sau:

1. Phần mở đầu: 1, 1-20;

2. Phần 1: Thị kiến về những việc hiện tại: 2, 1-3, 22;

3. Phần 2: Thị kiến về những việc xảy đến: 4, 1-22, 5;

- Lời tiên tri trong sách có 7 ấn phong: 4, 1-11, 18;

- Lời tiên tri trong sách được mở ra: 11, 19-22, 5;

4. Phần kết: 22, 6-21.


Bài 16: CÁCH HỌC VÀ HIỂU KINH THÁNH

86. H. Ngày nay Thiên Chúa có nói với chúng ta không?

T. Có. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hằng nói với chúng ta, đặc biệt bằng LỜI CHÚA trong Kinh Thánh.

87. H. Phải đọc Kinh Thánh thế nào?

T. Để đọc Kinh Thánh đem lại ích lợi thiêng liêng, ta cần lưu ý những điểm sau:

1. Đọc Lời Chúa trong đức tin với tâm tình khiêm tốn, đơn sơ, trong ước muốn được dạy dỗ, sẵn sàng thực hiện điều Chúa dạy;

2. Đọc một cách chậm rãi, từng câu trong tâm tình, với đức tin của Hội Thánh chứ không vì tò mò, vội vã…

3. Đọc bản văn Kinh Thánh đã được Hội Thánh công nhận.

88. H. Có mấy cách hiểu Kinh Thánh?

T. Có 2 cách, tùy theo văn thể:

1. Hiểu theo nghĩa đen;

2. Hiểu theo nghĩa bóng (thiêng liêng)

89. H. Muốn hiểu Lời Chúa, ta phải làm những việc gì?

T. Ta phải thực hiện những việc sau:

1. Phân tích xem đoạn văn vừa đọc thuộc loại văn thể nào?

2. Rút ra một ý tưởng chủ yếu và triển khai ý tưởng đó nhờ những Lời Chúa khác;

3. Không nên bám sát từng chữ nhưng biết đặt đoạn văn đó vào toàn thể mạch văn, toàn bộ Kinh Thánh.

4. Phải hiểu đoạn văn theo hướng dẫn của Hội Thánh, vì Hội Thánh đã được Chúa Kitô trao sứ vụ bảo toàn và lưu truyền nguyên vẹn Lời mặc khải (x. Hc MK 7)


Bài 17: SỐNG LỜI CHÚA

90. H. LỜI CHÚA có cần thiết cho đời sống Kitô hữu không?

T. Rất cần thiết vì những lí do chủ yếu sau:

1. LỜI CHÚA là sứ điệp tình yêu Thiên Chúa đã nói với loài người, nên các tín hữu phải biết đáp lại tình yêu ấy: “Ai yêu mến Ta, thì giữ Lời Ta” (Ga 14, 24);

2. LỜI CHÚA là Lời cứu rỗi, đem lại sự sống cho loài người: “Thầy có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68).

3. LỜI CHÚA thể hiện ý muốn của Thiên Chúa Cha, Đấng đã tạo dựng và yêu thương ta: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe LỜI Người” (Mc 9, 7).

91. H. Ta phải sống LỜI CHÚA thế nào?

T. Muốn sống Lời Chúa, ta phải:

1. Chấp nhận dấn thân trong sự từ bỏ, không chỉ một ngày nhưng trọn cả cuộc đời vì Tin Mừng.

2. Chấp nhận để Chúa Kitô biến đổi, học theo Người trong tư tưởng, lời nói và hành động.

3. Chấp nhận bước đi theo Chúa Kitô không phải chỉ ở một vài đòi hỏi dễ dãi nhưng là tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống.

“LỜI CHÚA có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin cho con cái Hội Thánh, là lương thực nuôi linh hồn…” (Hc. MK 21).


Về Đầu Trang Go down
 
Dẫn vào Kinh Thánh (dành cho giới trẻ)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» 22/11/2011 Thánh Lễ mừng kính Thánh Cécilia. bổn mạng của ca đoàn lớn
» Đức Thánh Cha công bố danh tính 24 vị tân Hồng Y
» Thông báo về cuộc Đố Vui Kinh Thánh trực tiếp
» Chuyện Kinh Thánh
» Thánh lễ mùng hai tết - kính nhớ tổ tiên ông bà.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Thông Tin :: Thông tin- Thông báo của Giáo phận-
Chuyển đến